20:21 08/06/2010

Đường sắt cao tốc: Lùi hay tiến?

Minh Thúy

Có vị đại biểu than thở khi thảo luận dự án đường sắt cao tốc: “Rằng hay thì thật là hay, nhưng mà bấm nút kỳ này rất lo”

Đại biểu Đặng Như Lợi: “Đề nghị Quốc hội xem lại kinh nghiệm làm dự án đường Hồ Chí Minh để khi xây dựng dự án này có tính khả thi cao chứ không thể đến khi có chuyện lại đổ cho nhà làm quy hoạch”.
Đại biểu Đặng Như Lợi: “Đề nghị Quốc hội xem lại kinh nghiệm làm dự án đường Hồ Chí Minh để khi xây dựng dự án này có tính khả thi cao chứ không thể đến khi có chuyện lại đổ cho nhà làm quy hoạch”.
Bên cạnh nhiều ý kiến đề nghị nên lùi thời gian làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam thì có đại biểu “không những ủng hộ mà ủng hộ mạnh mẽ”, phải làm ngay.

Chuyên đề: Dự án đường sắt cao tốc

Vẫn là những ý kiến hết sức khác nhau, vẫn là những tranh luận hết sức thẳng thắn, sự sôi nổi và những cung bậc cảm xúc của phiên thảo luận buổi sáng 8/6 vẫn được tiếp nối đến buổi chiều.

Nhấn nút phát biểu sau cùng, đại biểu Lê Việt Trường than thở: “Rằng hay thì thật là hay, nhưng mà bấm nút kỳ này rất lo”.

Nếu chỉ xem báo cáo, ủng hộ cả hai tay

Không ít đại biểu băn khoăn sao tài liệu về dự án cung cấp cho Quốc hội chỉ một chiều phân tích sự cần thiết phải đầu tư, mà thiếu vắng những ý kiến phản biện?

Đại biểu Phạm Quốc Anh nhận xét, những bản báo cáo về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam rất là thuyết phục, nếu chỉ xem báo cáo thì tôi giơ cả hai tay đồng ý, nhưng…

Ông cho biết đã nhận được được rất nhiều thông tin của những đồng chí “vừa có tâm vừa có tầm”, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình Bình. Rằng dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, thiếu thuyết phục và chưa phải lúc để Việt Nam làm đường cao tốc.

“Khi làm đường Hồ Chí Minh, chúng ta cũng dự báo năng lực vận chuyển rất lớn, khi muốn làm đường sắt cao tốc ta lại đánh giá hiệu quả giao thông đường bộ thấp đi”, đại biểu Nguyễn Đình Xuân phát biểu.

Hội trường không nén được tiếng cười khi đại biểu Vũ Hoàng Hà phát biểu về phân kỳ đầu tư đã dẫn lại một số ý kiến phát biểu trước. Đó là “có đại biểu nói nếu có ít tiền thì kéo tới Thanh Hóa vì đồng chí đó ở Thanh Hóa, có đại biểu nói phải qua Đà Nẵng mới phát huy tác dụng được vì đại biểu đó ở Đà Nẵng”.

Chỉ đề nghị thông qua cái gọi là gạch đầu dòng thứ 3 (trong phần Chính phủ kiến nghị Quốc hội - PV), theo đó Tổng công ty Đường sắt là chủ đầu tư thôi, còn tất cả đoạn sau gác lại, đại biểu Đặng Như Lợi phát biểu.

Lo lắng của vị đại biểu này xuất phát từ thực tế dự án đường Hồ Chí Minh, bàn giai đoạn 1 - 2 - 3 nhưng giai đoạn 2 hụt hơi, giai đoạn 3 cũng thế.

“Đề nghị Quốc hội xem lại kinh nghiệm làm dự án đường Hồ Chí Minh để khi xây dựng dự án này có tính khả thi cao chứ không thể đến khi có chuyện lại đổ cho nhà làm quy hoạch”, ông nói.

Về đề xuất khởi công năm 2014 (thay vì 2012 như ban đầu của Chính phủ) ông Lợi bình luận: mới cách mấy ngày thời gian dự kiến xây dựng đã thay đổi rồi, không khéo 11 ngày nữa (khi Quốc hội biểu quyết - PV) lại lùi khởi công đến năm 2015, 2016.

Lùi đến bao giờ?

Đưa ra nhiều băn khoăn, các đại biểu Phan Văn Tường, Vũ Hoàng Hà, Nguyễn Trung Nhân... đều đề nghị nên lùi thời điểm xem xét dự án đến năm 2020.

Đại biểu Nhân cho rằng, nếu triển khai dự án này phải hy sinh rất nhiều dự án khác.

Băn khoăn của đại biểu Vũ Hoàng Hà là Chính phủ đưa 4 phương án rồi đề nghị Quốc hội chọn phương án 4. Không thể đưa 4 phương án mà lại chỉ đề nghị chọn một phương án. Nâng cấp đường sắt hiện tại, đến 2020 mới xây đường sắt cao tốc, coi như là phương án 5, chắc chắn nhiều người lựa chọn, ông Hà đề xuất.

Nhận xét lý lẽ ủng hộ cũng rất xác đáng, và chưa ủng hộ cũng rất xác đáng, đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề, sao không để Quốc hội khóa sau quyết định và Chính phủ mới thực hiện dự án này?

“Tôi không phải không ủng hộ, nhưng phải có bước đi, chắc thắng mới đánh”, đại biểu Quốc nói.

Từ góc nhìn khác, đại biểu Lê Quốc Dung “đề nghị Quốc hội quyết chủ trương để đầu tư dự án này nhanh”. Theo đại biểu Dung thì nên tập trung 2 đầu Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang, rồi giao Chính phủ làm chi tiết hơn để cân đối vốn dự án này với dự án khác, cơ cấu hợp lý vốn lại theo hướng đảm bảo huy động vốn doanh nghiệp càng nhiều càng tốt.

“Riêng tôi ủng hộ dự án này, không phải ủng hộ một cách bình thường mà tôi ủng hộ mạnh mẽ”, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng nhấn mạnh.

Về những ý kiến cho rằng nước ta nghèo không nên vay phát triển đường sắt, ông Trừng cho rằng đã là nước nghèo, phải vay để phát triển chứ không còn con đường nào khác. “Các tổ chức quốc tế đã đánh giá dư nợ của ta vẫn trong vòng an toàn. Các tổ chức cho vay vẫn tin khả năng trả nợ của Việt Nam, nghĩa là Việt Nam là con nợ tốt”.

Chốt lại một ngày thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ lựa chọn vấn đề để đưa vào nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp này về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM. Sau đó sẽ gửi lại các đại biểu cho ý kiến trước khi trình Quốc hội quyết định thông qua chủ trương đầu tư dự án này.