12:43 05/06/2010

Đường sắt cao tốc: Vốn ngân sách khoảng 31 tỷ USD

Nguyên Hà

Báo cáo giải trình bổ sung dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM của Chính phủ đã được gửi đến Quốc hội

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bẳc - Nam - Ảnh: TTXVN.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bẳc - Nam - Ảnh: TTXVN.
Chính phủ dự kiến bảo đảm thu xếp nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho hợp phần kết cấu hạ tầng khoảng 31 tỷ USD, còn hợp phần phương tiện vận tải (gần 10 tỷ USD) sẽ huy động đầu tư của các doanh nghiệp.

Đây là thông tin tại báo cáo giải trình bổ sung dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM dài 13 trang, đề ngày 4/6 của Chính phủ vừa được gửi đến Quốc hội.

Tại báo cáo này, Chính phủ cho biết dự kiến sẽ khởi công dự án vào năm 2014, phần kết cấu hạ tầng sẽ được phân chia thành các tiểu dự án, việc trả nợ là khả thi và hiệu quả tài chính không thấp hơn đường bộ.

Khai thác khoảng 100 năm

Được trình Quốc hội ngay từ ngày đầu tiên của kỳ họp thứ bảy, ngay chiều hôm sau khi thảo luận tại tổ đã có rất nhiều băn khoăn về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Đó là sự lãng phí nếu chỉ chuyên chở hành khách, vận tốc 300 km/h là quá cao, vốn quá lớn và hiệu quả tài chính không cao… Rất nhiều ý kiến cho rằng còn thiếu quá nhiều thông tin để Quốc hội cảm thấy “chắc tay” khi quyết định, dù chỉ là quyết định chủ trương đầu tư.

Tại bản báo cáo này, “Chính phủ chân thành cảm ơn ý kiến của các đại biểu và cử tri cả nước”, và xin tiếp thu, giải trình bổ sung nhiều nội dung về dự án.

Từ đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc với quy mô xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc điện khí hoá, đường đôi, khổ 1.435 mm, từ Hà Nội tới Tp.HCM, chiều dài toàn tuyến dự kiến 1.570 km.

Tổng số nhu cầu sử dụng đất là 4.170 ha, trong đó 383,7 ha là đất ở khu dân cư tại vùng đô thị, 813,1 ha là đất ở khu dân cư vùng nông thôn, 1.589,3 ha là đất nông nghiệp và 1.383,9 ha là đất rừng.

Chủ đầu tư của dự án là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổng mức đầu tư khái toán : 55,853 tỷ USD. Dự kiến khởi công dự án vào năm 2014, hoàn thành đưa đoạn đầu tiên Hà Nội - Vinh và Tp.HCM - Nha Trang vào khai thác năm 2025, hoàn thành toàn tuyến vào 2035.

Như vậy, so với kiến nghị ban đầu với Quốc hội, thời gian khai thác của hai đoạn nói trên đã tăng thêm 5 năm.

Các thông tin về nhiệm vụ chuyên chở hành khách và tốc độ khai thác 300 km/h (V thiết kế = 350 km/h) cũng đã được ra khỏi nội dung kiến nghị.

Về công nghệ, thay vì đề nghị cụ thể công nghệ động lực phân tán - EMU (đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản), kiến nghị nêu “trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Chính phủ nghiên cứu kỹ để sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và khai thác tối ưu các phương thức vận tải khác”.

Nội dung đề nghị “giao Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với dự án” cũng đã được điều chỉnh thành “giao Chính phủ quyết định cơ chế thực hiện đảm bảo có hiệu quả chất lượng và đúng tiến độ. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”.

Theo Chính phủ, dự án đường sắt cao tốc được tính toán khai thác khoảng 100 năm. Giai đoạn đầu khai thác khoảng 40% công suất (57 triệu hành khách/140 triệu năng lực).

Năng lực khai thác toàn phần sẽ dần dần đạt được trong giai đoạn sau khi hoàn chỉnh toàn tuyến và đồng bộ các kết nối giữa các phương thức vận tải với đường sắt cao tốc, tạo thuận lợi cho việc khai thác đường sắt cao tốc cũng như có những giải pháp điều chỉnh về chính sách...

Việc trả nợ là khả thi

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khi tiến hành nghiên cứu khả thi, dự kiến hợp phần kết cấu hạ tầng sẽ được xem xét phân chia thành các tiểu dự án, báo cáo viết.

Đó là: cầu, đường và tín hiệu đường sắt; thông tin đường sắt, nhà ga, phát triển khu đô thị, khu công nghiệp gần nhà ga… Trong đó dự kiến tiểu dự án đầu tiên sẽ được thực hiện bằng vốn vay ODA, các tiểu dự án còn lại đều có thể thực hiện không hoàn toàn bằng ngân sách Nhà nước.

"Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và lựa chọn linh hoạt các nguồn lực cho dự án theo nguyên tắc giảm dần tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng đầu tư của các thành phần kinh tế khác".

Báo cáo phân tích, tổng mức đầu tư cho giao thông vận tải chỉ đạt 7% tổng mức đầu tư của xã hội. Nếu tính đến dự án này với phương án huy động vốn kể trên thì đầu tư cho giao thông vận tải ở trong khoảng 10 - 15% tổng mức đầu tư của xã hội.

“Như vậy việc đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM vẫn nằm trong giới hạn đầu tư, và không ảnh hưởng đến việc cân đối vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án ngành khác”, báo cáo viết.

Cũng theo phân tích của Chính phủ, với giả định sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản theo điều kiện của STEP, thời gian vay 40 năm có 10 năm ân hạn với lãi suất 0,4%/năm, với khả năng cân đối nguồn thu phí từ sử dụng kết cấu hạ tầng và các nguồn khác thì việc trả nợ của dự án là khả thi.

Về nợ quốc gia, báo cáo cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chủ động quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA mặc dù số liệu hiện nay về tổng dư nợ của cả nước (khoảng hơn 42% GDP), trong đó nợ nước ngoài trên 32%, được đánh giá là nằm trong phạm vi bảo đảm an toàn.

Hiệu quả tài chính không thấp hơn đường bộ

Liên quan đến những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính của dự án, Chính phủ khẳng định: hiệu quả tài chính của dự án này không thấp hơn các dự án đầu tư vào đường bộ khác cũng như các dự án đường sắt cao tốc ở các nước trong khu vực.

Ở nước ta hiện nay, giá vé đường sắt Thống Nhất bằng từ 40 -60% giá vé máy bay hạng phổ thông. Vì vậy, trong các chính sách giá vé giả định của dự án, sử dụng giá vé cho đường sắt cao tốc bằng 50% hoặc 75% giá vé máy bay hạng phổ thông có thể chấp nhận được, báo cáo nêu rõ.

Theo tính toán tại báo cáo, khi giá vé bằng 75% giá vé máy bay hạng phổ thông thì chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) cao nhất, đạt 3%. Còn trường hợp tính đến doanh thu ngoài vận tải đường sắt cao tốc thì chỉ số này lên đến 8,3%.

Còn về hiệu quả kinh tế, ở chính sách giá vé bằng 50% giá vé máy bay hạng phổ thông chỉ số nội hoàn kinh tế (EIRR) đạt 16%.

"Tuy hiệu quả tài chính trình bày sơ bộ trong báo cáo đầu tư không cao, song cần thiết phải tính đến hiệu quả tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động lan tỏa của dự án", Chính phủ giải trình.

Theo nghị trình, sáng 8/6 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án này và xem xét quyết định chủ trương đầu tư vào ngày cuối cùng của kỳ họp.