16:43 01/11/2011

Đường sắt cao tốc Trung Quốc “dài cổ” chờ vốn

An Huy

Hàng loạt dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang lâm vào cảnh đình trệ vì thiếu vốn

Một mô hình tàu cao tốc của Trung Quốc tại cuộc triển lãm công nghệ đường sắt, diễn ra tại Thượng Hải cuối tháng 8/2011 - Ảnh: Getty.
Một mô hình tàu cao tốc của Trung Quốc tại cuộc triển lãm công nghệ đường sắt, diễn ra tại Thượng Hải cuối tháng 8/2011 - Ảnh: Getty.
Hàng loạt dự án đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang lâm vào cảnh đình trệ vì thiếu vốn, tờ Financial Times cho hay. Tác động ngay trước mắt của tình trạng này là rất nhiều công nhân làm đường không được trả lương và mất việc làm.

Dừng chân trên một cánh đồng ngoại ô thành phố Bá Châu thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, một quang cảnh đập ngay vào mắt phóng viên Financial Times là những chiếc trụ sắt chưa hoàn thành và những chiếc máy trộn xi măng nằm ngổn ngang tê liệt trên một con đường lát sỏi.

Tuyến đường này vốn được thiết kế là tuyến đường sắt cao tốc nối giữa hai địa phương Thiên Tân và Bảo Định. Tuy nhiên, cùng với nhiều dự án đường sắt cao tốc lớn khác, dự án này mới đây đã bị hoãn lại sau vụ tai nạn đường sắt cao tốc hồi tháng 7 ở Ôn Châu khiến 40 người thiệt mạng.

“Mọi cái đều đang trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Tiền chẳng có, nên chúng tôi không thể trả lương cho công nhân. Công tác kiểm tra chất lượng thì được thắt chặt tối đa”, một quản lý công trường thuộc Công ty Kỹ thuật đường sắt Trung Quốc - công ty quốc doanh thi công phần lớn các đường ray cao tốc tại nước này - cho biết.

Cùng với tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc nói chung, Bắc Kinh đã phát tín hiệu có thể tái khởi động một số kế hoạch đầu tư đường sắt cao tốc đang bị đình trệ như một cách để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ còn có 20 công nhân còn lại trên công trường xây đường sắt cao tốc ở Bá Châu, thay vì con số 600 như ở thời kỳ đỉnh điểm. Những công nhân làm nhiệm vụ lát sỏi cho một con đường chạy dọc theo tuyến đường sắt cao tốc tương lai. Công việc này chỉ là một phần của dự án đã được thông qua.

Cách đây chưa lâu, phát biểu trước báo giới, phó kỹ sư trưởng Wang Mengshu của tập đoàn China Railway Tunnel Group, cho hay, tình trạng thiếu vốn đã khiến việc xây dựng hơn 10.000 km đường sắt cao tốc trên toàn Trung Quốc. Nếu các dự án này không được nối lại, 6 triệu công nhân sẽ chịu ảnh hưởng.

Sau nhiều năm liên tục được Chính phủ Trung Quốc cấp cho những khoản vốn khổng lồ, ngành đường sắt của nước này giờ đây cảm thấy hoàn toàn xa lạ và chật vật khi bất ngờ lâm vào cảnh thiếu tiền.

Trước vụ tai nạn đường sắt cao tốc ở Ôn Châu, đường sắt cao tốc được xem là một niềm tự hào của Trung Quốc. Đoàn tàu cao tốc đầu tiên của Trung Quốc mới chỉ lăn bánh vào năm 1997, nghĩa là trong vòng 4 năm, nước này đã xây dựng được hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Tốc độ phát triển bùng nổ của ngành này đã được dự báo sẽ kéo dài trong ít nhất một thập kỷ nữa, cùng với những kế hoạch tăng gấp đôi chiều dài của toàn hệ thống đường ray cao tốc đến năm 2020. Nhưng tới nay, niềm tin vào kế hoạch này đã suy giảm đi nhiều.

“Chúng tôi cần kiểm tra kỹ các thiết kế từ nền móng trở lên và điều chỉnh những điểm có vấn đề. Xét cho cùng thì đường sắt cao tốc là một lĩnh vực mới”, ông Huang Zhiyi, Phó giám đốc Viện Cơ khí giao thông thuộc Đại học Triết Giang, một trung tâm lớn về nghiên cứu và phát triển của ngành đường sắt Trung Quốc, nhận định.

Đầu tư cho đường sắt cao tốc của Trung Quốc trên thực tế đã giảm xuống kể từ sau thời kỳ tiền vốn ồ ạt chảy vào từ kế hoạch kích cầu kinh tế hồi năm 2009, nhưng tốc độ giảm vốn đặc biệt mạnh kể từ vụ tai nạn ở Ôn Châu hồi tháng 7.

Theo thống kê chính thức, trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư vào ngành đường sắt và giao thông của Trung Quốc tăng 7%. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, mức đầu tư đã giảm 19%.

Hầu như ngành đường sắt cao tốc của Trung Quốc không có cơ hội trở lại với thời kỳ được đầu tư mạnh như trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bắt đầu rục rịch với kế hoạch đưa các dự án trong ngành này chuyển động trở lại. Tái khởi động các dự án trong lĩnh vực này có thể sẽ giúp tạo ra một cú huých cho nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc. Trong dài hạn, cách làm này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự dịch chuyển lớn về cơ cấu, vì mở ra thị trường nội địa Trung Quốc để đưa tăng trưởng kinh tế của nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Nhưng điều Bắc Kinh cần làm đầu tiên là trấn an các nhà đầu tư. Những lo ngại về tình trạng nợ nần gia tăng của Bộ Đường sắt Trung Quốc, với số nợ hiện đã lên tới 2,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 330 tỷ USD, và các điều kiện tiền tệ thắt chặt đã khiến niềm tin của giới đầu tư suy giảm mạnh. Bộ Đường sắt Trung Quốc vì thế đã phải trì hoãn các kế hoạch tăng vốn.

Để giải quyết thế bế tắc này, Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ cắt giảm một nửa thuế suất đánh vào tiền lãi từ trái phiếu đường sắt phát hành trong thời gian từ nay tới năm 2013. Động thái này tạo điều kiện thuận lợi cho đợt phát hành thành công 20 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đường sắt, và cả những đợt phát hành sắp tới. Cùng với đó, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng cung cấp thêm vốn vay cho Bộ Đường sắt.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cần giải quyết những lo ngại của các hành khách đi tàu cao tốc. Số lượng hành khách trên các đoàn tàu loại này ở Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ sau vụ tai nạn ở Ôn Châu. Theo số liệu của Bộ Đường sắt, đã có khoảng 151 chuyến tàu ở nước này khởi hành trong tháng 9, ít hơn 30 triệu chuyến so với tháng 7.

Giáo sư Zhao Jian thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh, một người từ lâu có quan điểm chỉ trích chương trình phát triển tàu cao tốc của Trung Quốc, nhận xét, sự giảm tốc đầu tư trong ngành này sẽ trở thành một cơ hội bị bỏ lỡ nếu không đi kèm với những cải cách mang tính hệ thống.

Nhưng dù đang tăng cường mạnh công tác giám sát an toàn, Bắc Kinh dường như vẫn chưa muốn thực hiện những thay đổi mang tính cốt lõi trong lĩnh vực tàu cao tốc. Những trạm trộn bê tông ở dự án Bá Châu vẫn còn đó với cánh cửa bị khóa, và đang chờ sẽ được mở cửa trở lại trong thời gian không xa.