13:10 28/04/2021

EU đề xuất phạt tiền và chặn các thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc

Phương Linh

Đây là động thái mới nhất cho thấy chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng tại châu Âu trong bối cảnh khu vực này rơi vào suy thoái sâu nhất trong gần 1 thế kỷ...

Trước những mối đe dọa về kinh tế từ Trung Quốc, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh phạt tiền hoặc ngăn chặn các thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. 

Theo Bloomberg, khi đưa ra các đề xuất trên, EC không trực tiếp đề cập tới Trung Quốc nhưng đây là động thái nhằm giải quyết những phàn nàn từ giới doanh nghiệp châu Âu rằng các công ty Trung Quốc nhận được hỗ trợ không công bằng.

Các đề xuất trên cần phải được các chính phủ EU ủng hộ trước khi được ban hành. Nội dung đề xuất vẫn có thể thay đổi trước khi được trình lên vào tuần tới. 

 

EC đề xuất những công ty ngoại có doanh thu năm ít nhất 500 triệu Euro (604 triệu USD) tại châu Âu và nhận được tín dụng hơn 50 triệu Euro từ chính phủ nước ngoài trong vòng 3 năm cần phải được EU phê duyệt để thực hiện các thương vụ thâu tóm. 

Động thái của EC là ví dụ mới nhất cho thấy chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng tại châu Âu trong bối cảnh khu vực này rơi vào suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong gần 1 thế kỷ. Các chính phủ EU đang tranh luận về việc đưa các chuỗi cung ứng trở về quê nhà bởi đại dịch Covid-19 đã phơi bày nguy cơ tổn thương của khu vực này trước sự gián đoạn. Trong khi đó, Pháp và Đức cho rằng EU nên tạo điều kiện để tạo ra những "nhà vô địch châu Âu" đủ lớn để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. 

Trước đó, chính phủ nhiều nước EU đã cảnh báo về viễn cảnh các công ty châu Âu bị thâu tóm bởi những doanh nghiệp nước ngoài được cấp hạn mức tín dụng không giới hạn, hoặc buộc phải ngừng kinh doanh do đối thủ bán phá giá.

EC đề xuất những công ty ngoại có doanh thu năm ít nhất 500 triệu Euro (604 triệu USD) tại châu Âu và nhận được tín dụng hơn 50 triệu Euro từ chính phủ nước ngoài trong vòng 3 năm cần phải được EU phê duyệt để thực hiện các thương vụ thâu tóm. 

Ngoài ra, những công ty nhận được lợi thế bất công bằng của nước ngoài, bao gồm bảo lãnh nhà nước hoặc hạn mức tín dụng không giới hạn để cạnh tranh với đối thủ châu Âu, có thể bị phạt số tiền lên tới 10% doanh thu năm, theo đề xuất của EC.

Các quan chức châu Âu cũng đang đề xuất khám xét văn phòng của các công ty nước ngoài tại châu Âu, với sự cho phép của chính công ty và được thông báo cho chính phủ của họ. 

EC cho rằng những đề xuất trên sẽ xoa dịu quan ngại của giới doanh nghiệp châu Âu về việc đối thủ nước ngoài nhận được những ưu ái bất công như tiếp cận cơ sở hạ tầng, cấp phép hay nghiên cứu. 

Năm 2019, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Mỹ) với tổng giá trị thương mại hàng hóa hai chiều đạt hơn 1 tỷ Euro mỗi ngày.