16:24 14/02/2025

EU gửi 12 cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm, nông thủy sản Việt Nam

Vũ Khuê

Các sản phẩm này bị xử lý theo hình thức cảnh báo, thu hồi hoặc thậm chí tiêu hủy do không đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường EU...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thông tin từ văn bản số 27/SPS-BNNVN ngày 12/2/2025 của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU. 

Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã liên tiếp gửi 12 cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm, nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm này bị xử lý theo hình thức cảnh báo, thu hồi hoặc thậm chí tiêu hủy do không đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường EU.

Một trong những nguyên nhân chính là doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần thuộc nhóm “thực phẩm mới” theo quy định của EU.

Cụ thể, Đức và Áo đã phát hiện ra các sản phẩm như hạt é khô (thành phần được sử dụng trong nước giải khát) và thịt ốc bươu chưa được EU cấp phép. Các sản phẩm này đã bị thu hồi hoặc buộc phải rút khỏi thị trường.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mắc sai sót trong việc khai báo thành phần sản phẩm. Điển hình như ghi nhãn sai nguyên liệu dễ gây dị ứng. Ví dụ, tôm tẩm bột đông lạnh không khai báo chất gây dị ứng (trứng có trong bột tẩm) và bột điều hữu cơ không đề cập đến đậu phộng, dẫn đến việc các sản phẩm này bị thu hồi.

Cùng với đó, sử dụng phụ gia trái phép hoặc vượt mức quy định. Nghiêm trọng nhất là trường hợp sản phẩm bít tết cá ngừ, khi phát hiện dư lượng acid ascorbic (E300) đạt 513mg/kg, vượt quá mức tối đa cho phép là 300mg/kg.

Ngoài ra, vi phạm quy định đối với “sản phẩm hỗn hợp”. Doanh nghiệp không thực hiện kiểm dịch thú y hoặc không khai báo đầy đủ các thành phần từ động vật tại cửa khẩu.

Cũng theo Văn phòng SPS Việt Nam, các doanh nghiệp vi phạm phần lớn thuộc nhóm nhỏ và vừa. Do các doanh nghiệp nhỏ này chưa nắm rõ các quy định về "thực phẩm mới" và "sản phẩm hỗn hợp" của EU.

Các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp FDI do đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách cập nhật nhanh chóng các thay đổi của thị trường nên ít rủi ro hơn.

Để hạn chế những vi phạm này, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU cần tìm hiểu kỹ các quy định liên quan. Nắm vững quy định (EU) 2015/2283 và danh sách thực phẩm mới được cấp phép theo quy định (EU) 2018/1023.

Đồng thời ghi nhãn cảnh báo dị ứng và sử dụng phụ gia. Tuân thủ quy định tại Điều 21 của (EU) 1169/2011 và chỉ sử dụng các phụ gia nằm trong danh sách cho phép theo phụ lục II của (EC) 1333/2008.

Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Hiệp hội ngành Bia – Rượu – Nước giải khát, Cà phê – Ca cao, Nước mắm truyền thống và Điều Việt Nam có biện pháp cụ thể nhằm khuyến nghị và hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định của thị trường mục tiêu trước khi xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cần lập tức rà soát lại quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU. Từ thành phần nguyên liệu, quy trình ghi nhãn, kiểm dịch cho đến việc sử dụng phụ gia, tất cả đều phải được kiểm tra chặt chẽ.

"Việc nắm bắt đúng đắn các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn giữ vững uy tín và vị thế của sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế", Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh.

Tính riêng năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Ngay đầu tháng 2 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cũng đã thông tin về việc EU đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm.