EVFTA và nỗi lo từ doanh nghiệp nhà nước
Theo dự thảo nghị định về hàng hoá, dịch vụ và địa điểm mà nhà nước độc quyền trong hoạt động thương mại, Nhà nước sẽ giữ độc quyền trong 16 lĩnh vực kinh doanh
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam có thể sẽ là đối tượng bị kiện và áp dụng các biện pháp xử phạt thương mại của EU nếu các chính sách và thể chế về doanh nghiệp nhà nước không thay đổi.
Nhận định này được đưa ra tại nghiên cứu về ảnh hưởng của EVFTA được tiến hành trong khuôn khổ hợp tác giữa đại sứ quán Đan Mạch và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Kết quả nghiên cứu đã được công bố tại hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế được CIEM tổ chức sáng 20/1.
Bảo vệ nhà đầu tư vẫn là điểm yếu
Nghiên cứu nói trên chỉ ra rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể thời gian gần đây, mặc dù Việt Nam vẫn nằm trong nửa cuối của bảng xếp hạng. Một trong những hạn chế là chi phí giao dịch vẫn còn lớn, các doanh nghiệp không chỉ phải trả chi phí chính thức mà còn phải trả chi phí không chính thức.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, bảo vệ đầu tư vẫn là một điểm yếu của Việt Nam. Theo báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam chỉ đạt 4,7/10 điểm, xếp thứ 100/140 quốc gia.
Đơn giản hoá các thủ tục giải quyết tranh chấp và thực thi hợp đồng là một biện pháp khả thi để tăng cường bảo vệ nhà đầu tư và tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu giảm thời gian giải quyết tranh chấp tại toà án kể từ 2014 nhưng cho đến nay các hệ thống tư pháp đã được thực hiện không có sự thay đổi đáng kể để cải thiện hiện trạng.
Liên quan đến cạnh tranh và doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo phân tích: khu vực nhà nước vẫn được coi là khu vực kinh tế chủ đạo, do đó có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước ở hầu hết các ngành công nghiệp và lĩnh vực.
Báo cáo nêu rõ, theo dự thảo nghị định về hàng hoá, dịch vụ và địa điểm mà nhà nước độc quyền trong hoạt động thương mại, Nhà nước sẽ giữ độc quyền trong 16 lĩnh vực kinh doanh.
Với lợi thế trong độc quyền nhà nước, tiếp nhận trợ cấp từ nhà nước, giao đất và dễ dàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước đã cạnh tranh không công bằng với khu vực tư nhân.
Tách sở hữu và quản lý
Một lo ngại được chỉ ra tại báo cáo là sự không tương thích về định nghĩa doanh nghiệp Nhà nước khi mà định nghĩa về doanh nghiệp nhà nước trong EVFTA rộng hơn so với mức quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam.
Luật Doanh nghiệp quy định chỉ các doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% mới là doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, EVFTA quy định doanh nghiệp nhà nước không chỉ được xác định bằng tỷ lệ vốn sở hữu (hơn 50%) mà còn bao gồm cả cách thức đưa ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp nhà nước, hoặc tỷ lệ thành viên trong doanh nghiệp nhà nước (Chính phủ bổ nhiệm hơn một nửa số thành viên trong hội đồng quản trị).
Báo cáo cho rằng, điều chỉnh thể chế của Việt Nam cần hướng tới áp dụng chung các quy định pháp lý đối với tất cả các doanh nghiệp không phân biệt yếu tố sở hữu. Đẩy mạnh cải cách nhằm buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo các nguyên tắc thị trường nhiều hơn.
Vấn đề tiếp theo được nhấn mạnh là chuẩn bị và ban hành các chính sách liên quan đến quyền sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó quy định rõ vai trò của Chính phủ trong quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý hoạt động nội bộ của doanh nghiệp nhà nước, cơ chế mà nhà nước sẽ quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước.
Yêu cầu quan trọng trong việc cải cách ở lĩnh vực này là tách biệt quyền sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước với quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, các tác giả báo cáo nhấn mạnh.
Theo báo cáo, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là Chính phủ phải ban hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát đối với các doanh nghiệp nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực khác nhau. Các chỉ số quan trọng cần có mức độ lan toả và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.
Bên cạnh việc xác định lại vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, cần phải thiết lập một cơ chế quản lý để đối phó với các rủi ro gây ra bởi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước phải được tính trong hệ thống nợ của Chính phủ, Chính phủ cần kiểm soát, theo dõi và giám sát các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước, các tác giả báo cáo nêu ngụ ý chính sách.