11:18 17/07/2015

Game di động bước vào “cuộc chơi lớn”

Đỗ Phong

Dự báo trong hai năm nữa, game di động sẽ đứng đầu thị trường game Việt Nam

Theo dự đoán thì doanh thu game mobile ở Việt Nam sẽ tăng trong năm nay,
 năm sau và những năm tới. Đến năm 2017 thì doanh thu có thể đạt gần 190
 triệu USD.
Theo dự đoán thì doanh thu game mobile ở Việt Nam sẽ tăng trong năm nay, năm sau và những năm tới. Đến năm 2017 thì doanh thu có thể đạt gần 190 triệu USD.
Với doanh thu năm 2014 là 83 triệu USD và con số này năm 2015 dự kiến là 104 triệu USD, thị trường game di động ở Việt Nam được nhận định đang khá “nóng”.

Tại sự kiện Mobile Game Asia 2015 do Hiệp hội Game di động Toàn cầu vừa tổ chức, giới chuyên môn khẳng định, Việt Nam được coi là thị trường đứng đầu Đông Nam Á với gần 40% tổng doanh thu.

Theo dự đoán thì doanh thu game di động ở Việt Nam sẽ tăng trong năm nay, năm sau và những năm tới. Đến năm 2017 thì doanh thu có thể đạt gần 190 triệu USD, con số này còn cao hơn doanh thu game PC, web game và chiếm 60% tổng doanh thu ngành game.

Dự báo trong hai năm nữa, game di động sẽ đứng đầu thị trường game Việt Nam.

Tiềm năng và doanh thu lớn


Ông Vương Vũ Thắng, Giám đốc điều hành SohaGame, một trong những công ty phát hành game mobile nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay cho biết, Việt Nam chiếm khoảng 37% trong tổng thị trường game di động ở Đông Nam Á, với doanh thu game mobile trong năm 2014 lên tới 83 triệu USD, bằng doanh thu của 4 nước trong khu vực cộng lại là Malaysia, Singapore, Phillipines và gấp 1,5 lần Thái Lan.

Theo số liệu của Appannie, trong top 10 nhà phát hành game mobile ở Đông Nam Á tính theo doanh thu thì có đến 3 gương mặt từ Việt Nam.

Lợi thế đầu tiên về việc phát triển game mobile tại Việt Nam, đó là mặc dù chỉ có 90 triệu dân nhưng lại có tới 134 triệu thuê bao di động. Bên cạnh đó, số lượng người sử dụng smartphone lên tới 23 triệu và 80% là dân số trẻ.

Một điểm đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng smartphone của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực và người dùng di động ở Việt Nam tham gia vào mạng xã hội tăng trưởng cao trên thế giới với 41 triệu tài khoản được kích hoạt trong năm 2014...

Mặt khác, tỉ lệ người dùng điện thoại di động để chơi game trong nước cũng chiếm tới 92%, trong khi đó máy tính bảng chỉ chiếm 8%. Đặc biệt, mặc dù thu nhập bình quân của Việt Nam thấp hơn Thái Lan, thu nhập trung bình từ mỗi người chơi có trả phí lại bằng 80% của Thái Lan.

Điều này chứng tỏ người chơi ở Việt Nam cũng sẵn sàng bỏ nhiều tiền để chơi game trên di động hơn cả trên máy tính hay web game...

Với sự tăng trưởng người dùng điện thoại thông minh và sự phát triển mạng 3G rộng khắp với mức giá hợp lý... đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho người dùng chơi game.

Theo nhìn nhận của giới chuyên môn thì đây được coi là cơ hội lớn cho các nhà phát hành game di động tại Việt Nam. Với tỉ lệ tăng hàng năm của doanh thu game di động là 87,7% thì sau mỗi năm, doanh thu gần như cao gấp đôi.

Thống kê số lượng game trong năm 2014 của Việt Nam là 77 trong khi đó, số lượng game được phát hành trong 2 quý đầu năm 2015 là 64 game, bằng 83% so với lượng game phát hành năm 2014. Con số này cao hơn so với 25 game ở Thái Lan và 20 game ở Indonesia.

Ông Thắng chia sẻ, số lượng game phát hành ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Dự báo tới hết năm 2015 sẽ là 120 game.

Cơ hội thành công


Theo các chuyên gia, Đông Nam Á là một thị trường lớn nhưng không hề dễ dàng để thắng được toàn bộ thị trường. Do đó, các doanh nghiệp cần chọn một thị trường chính khi mang một game vào Đông Nam Á.

Trong số các thị trường này, Việt Nam là một trong những lựa chọn tốt nhất vì có thể mang lại lợi nhuận cao nhất và người dùng có xu hướng trả nhiều tiền cho game. Hơn nữa, những game đã thành công ở Trung Quốc có khả năng sẽ thành công ở Việt Nam vì game thủ ở hai nơi này có nhiều điểm tương đồng...

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp game nước ngoài đến Việt Nam sẽ gặp những khó khăn, rào cản nhất định. Đó chính là việc quản lý chặt chẽ về game online và kiểm soát cấp phép game mới khá kỹ lưỡng. Trong 3 năm qua mới chỉ có 4 công ty được cấp phép là SohaGame, VNG, VTC và Garena.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không cấp phép cho các công ty nước ngoài phát hành game di động ở trong nước. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài muốn phát hành phải hợp tác với các công ty doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ 49% và 51%.

Ngoài ra, Việt Nam cũng không cho phép các cổng thanh toán hợp tác với các công ty nước ngoài không có giấy phép, đồng thời không được phép quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cho game không phép...

Theo các chuyên gia, Đông Nam Á là một thị trường khá đặc thù từ thị hiếu người chơi đến thị trường, thanh toán..., nhưng vẫn có những quy tắc chung, đó là phát hành game phải phù hợp với văn hoá của mỗi quốc gia.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho rằng, do các game nổi trội ngày càng nhiều nên cần có một hướng đi đúng đắn trong thị trường game nhiều sự lựa chọn như hiện nay.

Bên cạnh đó, chi phí để phát hành game cũng ngày một tăng và những điểm mạnh cạnh tranh sẽ không còn quan trọng như trước nữa. Đặc biệt, một số nhà phát triển game không còn cần đến cả nhà phát hành nữa.