14:38 23/04/2025

Gần 2,8 tỷ USD của nhà đầu tư đang nằm chờ mua ở các công ty chứng khoán

Thu Minh

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tăng nhẹ 2,1%, đạt gần 74,5 nghìn tỷ tại thời điểm cuối tháng 3.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dư nợ margin của 70/85 công ty chứng khoán chiếm 99,7% quy mô vốn chủ sở hữu toàn ngành đạt gần 275 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2025, tăng 13% tương đương 31,6 nghìn tỷ đồng so với quý trước, theo thống kê từ FiinTrade. 

Đây là quý tăng trưởng thứ 9 liên tiếp đối với quy mô margin toàn thị trường tính từ quý 1/2023, nhưng chỉ có 4/85 công ty chứng khoán duy trì được chuỗi tăng trưởng về dư nợ margin như vậy, trong đó đáng chú ý là TCBS và ACBS.

Nhóm ghi nhận tăng trưởng vượt trội về dư nợ margin trong quý 1 nổi bật là SSI, TCBS, Chứng khoán VPS, KIS Việt Nam, VCBS, Chứng khoán VPBank và một số Công ty chứng khoán nhỏ như Chứng khoán Dầu khí (PSI) và Chứng khoán APG (APG).

Xét trên toàn thị trường, tổng dư nợ cho vay margin hiện tương đương 97,6% vốn chủ sở hữu toàn ngành, vẫn còn thấp so với mức trần 200% theo quy định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ này đã rất cao ở nhiều công ty chứng khoán lớn như MASC (183%), HCM (195%), Chứng khoán VPS (158%), MBS (164%).

Tăng trưởng dư nợ margin góp phần làm tăng thanh khoản và hỗ trợ hoạt động mua ròng của nhà đầu tư cá nhân. Dư nợ margin tăng 13% so với quý trước trong quý 1/2025. Trong khi đó, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HOSE và HNX tăng 20,4%, đạt gần 15,2 nghìn tỷ đồng trong quý 1 khi Vn-Index tăng thấp 3,2%.

Động lực cho thanh khoản chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân - bên mua ròng chính đối ứng với lực bán ròng của khối ngoại, tập trung ở Ngân hàng như TPB, STB, VCB, ACB, ngoài ra còn bán nhiều ở FPT, VNM, MSN, DGC, FRT, VIC, DBC, NLG, GMD, VJC.

Gần 2,8 tỷ USD của nhà đầu tư đang nằm chờ mua ở các công ty chứng khoán - Ảnh 1

Quy mô tài sản của nhà đầu tư tăng nhẹ trở lại trong quý 1/2025 sau khi bất ngờ giảm mạnh trong quý trước đó. Cụ thể, tổng giá trị tài sản tài chính của nhà đầu tư phần lớn là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ... được quản lý bởi các công ty chứng khoán tăng 15,5 nghìn tỷ đồng tương ứng tăng 1% trong quý 1/2025, trước đó giảm -1,5% trong quý 4/2024. Số dư tiền gửi cũng tăng nhẹ 2,1%, đạt gần 74,5 nghìn tỷ tại thời điểm cuối tháng 3.

Con số này tỷ lệ thuận với mức tăng mở tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong quý 1 vừa qua. Trong 3 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 400.000 tài khoản chứng khoán. Tính đến cuối tháng 3/2025, nhà đầu tư trong nước có tổng cộng hơn 9,6 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9,6% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Tỷ lệ đòn bẩy và tỷ lệ dư nợ margin/tổng tài sản của nhà đầu tư tiếp tục tăng và đều ở mức rất cao, lần lượt là 11,3% và 18,3% tại thời điểm cuối tháng 3/2025. Tỷ lệ đòn bẩy là tỷ lệ giữa dư nợ margin/tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh theo free-float.

Trong bối cảnh dòng tiền thiếu ổn định và khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng, thì những thông tin tiêu cực như kế hoạch áp thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (lên tới 46%) đã trở thành chất xúc tác kích hoạt làn sóng bán tháo, gây áp lực giảm giá cổ phiếu và dẫn đến hoạt động giải chấp như đã xảy ra gần đây ở đầu tháng 4.