Thương chiến khốc liệt, các quỹ đầu tư thế giới tăng nắm tiền mặt
Theo khảo sát của BofA, tỷ trọng phân bổ tiền mặt tăng 62 điểm cơ bản lên mức 4,1% từ 3,5% trong tháng trước, mức tăng cao nhất trong 1 tháng kể từ tháng 12/2021.

Quỹ cổ phiếu toàn cầu vẫn tiếp tục giữ trạng thái thận trọng trong 2 tuần đầu tháng 3, khi nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại trước các chính sách thuế quan không chắc chắn của Tổng thống Donald Trump. Tính chung cả tháng, dòng tiền vào ròng giảm 10% so với tháng trước, đạt 48,7 tỷ USD, theo dữ liệu từ SSI Research.
Quỹ trái phiếu ghi nhận tốc độ vào ròng chững lại. Mặc dù duy trì đà vào ròng tháng 27 liên tiếp, nhưng tốc độ vào ròng giảm mạnh 73% so với tháng trước, chỉ đạt 19,8 tỷ USD, tương đương với 12% giá trị vào ròng tính từ đầu năm.
Phần lớn lực mua đến từ thị trường phát triển với mức giải ngân 21,3 tỷ USD, trong khi quỹ trái phiếu ở thị trường mới nổi ghi nhận mức rút ròng 1,5 tỷ USD do lo ngại về rủi ro giảm đối với tăng trưởng kinh tế.
Quỹ tiền tệ đảo chiều rút ròng. Quỹ thị trường tiền tệ rút ròng 14,9 tỷ USD trong tháng 3, và là tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 4/2024.
Nhìn chung, rủi ro chính đối với thị trường vẫn đến từ lo ngại về chính sách thuế quan không chắc chắn, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Dòng tiền cũng cho thấy sự thận trọng hơn đối với các cổ phiếu công nghệ và thị trường Hoa Kỳ, đồng thời ghi nhận xu hướng chuyển dịch sang các nhóm ngành khác (Hàng tiêu dùng, Nguyên vật liệu…) hay Khu vực Châu Âu/ thị trường mới nổi.
Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) thu hẹp xu hướng vào ròng trong tháng 3. Các quỹ ETF và chủ động ghi nhận giá trị vào ròng 48,3 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ tiếp tục hút dòng tiền (+19 tỷ USD).
Các chính sách thuế quan của Tổng Thống Trump gây rủi ro lạm phát cao quay lại và các số liệu sản xuất và tiêu dùng gần đây công bố thấp hơn kỳ vọng cho thấy khả năng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại. Cùng với dự báo xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khi Hoa Kỳ áp dụng mức thuế đối ứng cao đối với các đối tác thương mại. Công cụ Atlanta Fed GDPNow vào ngày 03/4 cho thấy GDP của Hoa Kỳ trong Q1/2025 có thể tăng trưởng âm 2,8%.
Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) quay lại vào ròng 0,4 tỷ USD sau 4 tháng rút ròng mạnh trước đó. Nhà đầu tư rút 2,3 tỷ USD khỏi thị trường Trung Quốc, cường độ thu hẹp khá mạnh so với mức rút ròng 15,5 tỷ USD trong tháng trước. Đặc biệt Ấn Độ ghi nhận dòng tiền vào sau 2 tháng rút ròng trước đó.
Riêng Đài Loan vẫn ghi nhận vào ròng khá 5 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 3/2024, với sức hấp dẫn từ cổ phiếu công nghệ, khi nhu cầu về chất bán dẫn tiên tiến vẫn tăng cao.
Theo khảo sát của BofA, tỷ trọng phân bổ tiền mặt tăng 62 điểm cơ bản lên mức 4,1% từ 3,5% trong tháng trước mức tăng cao nhất trong 1 tháng kể từ
tháng 12/2021.
Tại Việt Nam, các quỹ ETF đẩy mạnh rút ròng trong tháng 3, giá trị rút ròng ghi nhận ở mức 2,4 nghìn tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 7/2024, tương đương 4,3% tổng quy mô tài sản vào cuối năm 2024, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 55,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị rút 3 tháng đầu năm 2025 vẫn thấp hơn 44,6% so với cùng kỳ 2024.
Hầu hết các quỹ đều ở trạng thái rút vốn ròng trong tháng 3, đặc biệt là các quỹ ngoại. Cụ thể, quỹ Fubon rút ròng cao nhất từ Tháng 9/2021 đến nay (-1,5 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, quỹ VanEck Vietnam ETF (-123 tỷ đồng) hay Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (-72,8 tỷ đồng) chỉ rút ròng nhẹ.
Các quỹ nội gia tăng rút ròng, DCVFMVN30 ETF (-315,8 tỷ đồng) ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp rút ròng, DCVFMVN Diamond ETF (-336 tỷ đồng), SSIAM VNFinlead ETF (-39 tỷ đồng). Quỹ KIM Growth VN30 ETF là một trong số ít các quỹ có dòng vốn vào ròng (+19,3 tỷ đồng) trong tháng.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động đều ghi nhận rút ròng trong tháng 3. Các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam và các quỹ đầu tư đa quốc gia, rút ròng lần lượt 504 tỷ đồng và 1,6 nghìn tỷ đồng. Trong Q1/2025, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã rút 2,1 nghìn tỷ đồng.
Cùng với các thị trường Đông Nam Á, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với giá trị bán ròng 11 nghìn tỷ đồng riêng trong tháng 3, và bán gần 28 nghìn tỷ đồng trong Q1/2025.
Tuy nhiên, tính tại thời điểm 31/3, tỷ trọng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo vốn hóa chỉ chiếm 15,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2009 và sự suy yếu của DXY vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ hạn chế áp lực bán ròng từ khối ngoại. Khối ngoại bán ròng trong bối cảnh thận trọng quan sát diễn biến tiếp theo của chính sách thuế quan và tìm đến các thị trường khu vực Châu Âu hay thị trường mới nổi