Gặp khó trong bán bảo hiểm tàu cá, vì sao?
Số tiền thu về từ việc bán bảo hiểm tàu cá thì thấp trong khi số tiền bỏ ra để giải quyết bồi thường thì quá ca
Lỗ lớn do doanh thu không đủ bù đắp chi phí bồi thường, gặp vướng mắc trong việc xem xét cấp đơn bảo hiểm tàu cá theo quy định cũ… đang khiến 4 công ty bảo hiểm ngại bán loại bảo hiểm này dù không muốn. Nếu vẫn tiếp tục triển khai theo cách cũ sẽ đe dọa lớn đến an toàn tài chính của nhà bảo hiểm.
Ngày 7/11 vừa qua, 4 công ty bảo hiểm phi nhân thọ gồm Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO và 1 công ty tái bảo hiểm là Vinare đã có công văn gửi Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) báo cáo tình hình thực hiện Chương trình bảo hiểm tàu cá xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 17/2018/NĐ-CP. Đây là 5 nhà bảo hiểm được giao triển khai chương trình bảo hiểm tàu cá cho ngư dân theo chủ trương của Chính phủ.
5 công ty kể trên cho biết kể từ những ngày đầu triển khai, các công ty này đều hưởng ứng chính sách của Chính phủ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tích cực tham gia chương trình bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 và đã góp phần đáng kể đảm bảo an sinh xã hội, phát triển ngành nghề khai thác hải sản và hỗ trợ ngư dân an tâm bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo đó, đã bảo hiểm cho 41.907 lượt tàu cá và 430.259 lượt thuyền viên.
Tuy nhiên, đến nay, doanh thu càng giảm sút mà số tiền thu về từ việc bán bảo hiểm tàu cá thì thấp trong khi số tiền bỏ ra để giải quyết bồi thường thì quá cao. Đáng chú ý, hầu hết các vụ tổn thất toàn bộ đều không tìm được hoặc không trục vớt được xác tàu nên khó có thể điều tra được rõ nguyên nhân sự cố, khiến các công ty bảo hiểm quan ngại trong việc bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân.
Cụ thể, theo báo cáo của 5 công ty bảo hiểm, trong các năm 2015-2017, số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm khá lớn, đạt lần lượt 9.673 - 12.677 - 11.779 tàu nhưng kể từ khi chính sách hỗ trợ phí thay đổi theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP thì số tàu tham gia đã giảm đáng kể.
Năm 2018 chỉ có 4.300 tàu cá tham gia và 9 tháng đầu năm 2019 chỉ có 3.196 lượt tàu cá được bảo hiểm. Trong khi đó, các vụ tổn thất tàu ngày càng gia tăng. Tính đến 30/9/2019, tổng phí bảo hiểm thu được là 1.233 tỷ đồng; trong khi tổng số tiền bồi thường đã trả và đã thông báo nhưng chưa giải quyết là 968 tỷ đồng, chiếm 78,5% phí được hưởng.
"Với tình hình bồi thường này, chúng tôi tính toán mức lỗ nghiệp vụ từ việc bán bảo hiểm cho ngư dân tính đến hết tháng 9/2019 có thể lên tới 125 tỷ đồng", 4 công ty bảo hiểm cho biết.
"Chúng tôi thấu hiểu và chia sẻ với ngư dân nhưng nếu tiếp tục bán theo cách cũ, nhà bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe tài chính. Khách hàng của chúng tôi đâu chỉ có ngư dân mà còn hàng triệu khách hàng từ nhiều ngành nghề khác trên khắp mọi miền của đất nước. Nếu chỉ chăm chăm đảm bảo quyền lợi ngư dân thì quyền lợi của số đông khách hàng khác sẽ bị ảnh hưởng", một trong số 5 nhà bảo hiểm trên phân trần.
Liên quan đến những vướng mắc trong việc xem xét cấp đơn bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, các công ty bảo hiểm cũng cho biết thời gian gần đây có nhiều văn bản pháp luật mới về quản lý và khai thác thủy sản bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 như Luật Thủy sản 2017; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ các quy định mới về phân nhóm tàu cá, phân vùng khai thác thủy sản, văn bằng, chứng chỉ thuyền viên tàu cá, định biên an toàn tối thiểu tàu cá, trang bị và vận hành thiết bị theo dõi hành trình…
Các quy định ra sau này cũng khiến công ty bảo hiểm gặp vướng mắc trong việc xem xét cấp đơn bảo hiểm cho các tàu cá theo Nghị định 67 và cần hướng dẫn của cơ quan quản lý.
Ngày 29/10/2019, đại diện Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Vụ Ngân sách - Bộ Tài chính, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các doanh nghiệp bảo hiểm/tái bảo hiểm triển khai bảo hiểm tàu cá theo nghị định 67/2014/NĐ-CP và nghị định 17/2018/NĐ-CP, đã có buổi họp nhằm khắc phục các vấn đề khó khăn, vướng mắc khi triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá trong giai đoạn hiện tại. Sau buổi họp, các doanh nghiệp bảo hiểm/tái bảo hiểm đã có công văn gửi Cục vào ngày 7/11/2019 như đề cập ở trên.
Trong thời gian chờ hướng dẫn mới của các cơ quan quản lý, 4 công ty bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI và PJICO đã có hướng dẫn các đơn vị thành viên tại các địa bàn được giao triển khai bán bảo hiểm tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá rủi ro, đề xuất cấp đơn bảo hiểm để đảm bảo các tàu cá được cấp bảo hiểm tuân thủ đúng các quy định mới ban hành của Luật thủy sản 2017 và Nghị định, Thông tư có liên quan.
Trong số này, cũng có công ty bảo hiểm gửi công văn tới các địa phương, UBND các Tỉnh, nơi mà họ được giao triển khai.
Rõ ràng rằng, việc ngừng bán loại bảo hiểm khiến ngư dân phản ứng là điều không tránh khỏi bởi không có bảo hiểm thì bị ngân hàng "trói", không cho tàu ra khơi do trường hợp xảy ra rủi ro không được đơn vị thứ 3 là nhà bảo hiểm hỗ trợ. Thậm chí, do hiểu nhầm, không giữ được bình tĩnh, có ngư dân còn cho rằng, công ty ngừng bán bảo hiểm đang làm khó, đẩy ngư dân vào cảnh nợ chồng nợ.
Đại diện Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận hiện có nhiều quy định pháp luật về thủy sản mới được ban hành, sửa đổi thay thế các quy định trước đây nên cần có thời gian để chính sách đi vào thực tế, người dân làm quen và tuân thủ.
Quy định pháp luật chưa tuân thủ chặt chẽ cũng dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình cấp đơn bảo hiểm. Chưa kể, việc tổn thất toàn bộ không tìm được hoặc không trục vớt được xác tàu cũng khiến công tác cấp đơn bảo hiểm kéo dài hơn so với thời gian trước đây chứ không hẳn là do nhà bảo hiểm dừng triển khai.
Vị trên cũng cho biết trong tuần tới, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các công ty bảo hiểm để xem xét, cân nhắc các kiến nghị, đề xuất, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống làm việc trực tiếp với các địa phương để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết theo thẩm quyền.
"Để ngư dân tiếp tục yên tâm vươn khơi bám biển cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành, địa phương và các bên liên quan", vị trên nói.