Gấp rút trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương đầu tư "siêu" dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông vận tải ráo riết hoàn hiện để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và dự kiến trình Bộ Chính trị vào giữa tháng 11/2023...
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 7820/BGTVT-KHĐT báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về tình hình chuẩn bị Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
"SIÊU" DỰ ÁN CHƯA CÓ TIỀN LỆ, LONG ĐONG HOÀN THIỆN ĐỀ ÁN
Một bước tiến lớn giúp đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư "siêu" đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Công văn số 5676/VPCP- CN vừa được phát đi giữa tuần trước.
Tại công văn này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước ngày 5/8 phải hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia theo đúng quy định.
Trong đó, "Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội là thành viên Ban Chỉ đạo", Công văn số 5676 nêu rõ.
Thực hiện các chỉ đạo này, trong Công văn số 7820/BGTVT-KHĐT, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thời gian qua.
Trên cơ sở định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam trong năm 2002, từ năm 2005 đến nay, Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều nghiên cứu để xem xét đầu tư tuyến đường sắt này, trong đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua năm 2009, Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư, tuy nhiên, chưa được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2010.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua năm 2009, Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư, tuy nhiên, chưa được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2010.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải rà soát các nghiên cứu trước đây, tiến hành cập nhật bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Toàn bộ quá trình nghiên cứu dự án, Bộ Giao thông vận tải tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề để lấy ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học; làm việc, thống nhất bằng văn bản với 20 địa phương có dự án đi qua; tổ chức lấy ý kiến 12 bộ, ban, ngành có liên quan đối với nội dung nghiên cứu. Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường - Quốc hội Khóa XIV, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng tổ chức họp, hội thảo về dự án.
Sau khi tiếp thu ý kiến các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư dự án tại Tờ trình số 1281/TTr-BGTVT ngày 14/2/2019. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước.
Đáng chú ý, so với thời điểm Bộ Giao thông vận tải hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gửi Thủ tướng Chính phủ nêu trên, đã xuất hiện khá nhiều tham số quan trọng có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận siêu dự án này.
Đáng chú ý, "Ban cán sự đảng Chính phủ có Kết luận số 1209-KL/BCSĐCP ngày 6/10/2022 thống nhất trình Bộ Chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại, kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435mm để vận chuyển hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200- 250km/h, tốc độ khai thác khoảng 200km/h", Bộ Giao thông vận tải lưu ý.
Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó yêu cầu nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
"Ngày 18/4/2023, Hội đồng nhà nước có Thông báo số 2956/TB-BKHĐT yêu cầu cập nhật, bổ sung hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào cuối năm 2023", Bộ Giao thông vận tải cho biết.
HUY ĐỘNG TƯ VẤN QUỐC TẾ NGHIÊN CỨU THẬN TRỌNG, KỸ LƯỠNG
Bộ Giao thông vận tải khẳng định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có tầm chiến lược, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn.
"Đây cũng là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật: công nghệ, tốc độ khai thác, đối tượng phục vụ, mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Gần đây, Bộ Giao thông vận tải tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như: Châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ huy động tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để nghiên cứu, hoàn thiện làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2025 theo đúng Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị.
Do báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định nên chưa có cơ sở để Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án.
"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ tại văn bản số 1091 -CV/BCSĐCP ngày 08/9/2022, Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải có văn bản số 271 -CV/BCSĐ ngày 15/9/2022 báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị cho phép lùi thời hạn trình Đề án vào quý 3/2023", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Căn cứ chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai cập nhật điều chỉnh Đề án chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam Bộ trước đây đã trình Ban Cán sự đảng Chính phủ năm 2021.
Để bảo đảm tiến độ lập, trình duyệt Đề án, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có ý kiến chậm nhất trong 5 ngày khi xin ý kiến về Đề án, nếu không coi như thống nhất nội dung.
Như vậy, đề cập đến tiến độ triển khai lập Đề án, Bộ Giao thông vận tải dự kiến tiến độ chuẩn bị Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam như sau: hoàn thiện Đề án gửi lấy ý kiến Ban chỉ đạo trước ngày 15/8/2023; trình Thường trực Chính phủ và tiếp thu hoàn thiện Đề án: trước ngày 30/9/2023; trình Ban cán sự Đảng Chính phủ và tiếp thu hoàn thiện Đề án trước ngày 20/10/2023; trình Bộ Chính trị trước ngày 15/11/2023.