14:12 29/12/2007

Giá cổ phần Vietcombank: Một so sánh nhỏ…

Minh Đức

Giá cổ phần Vietcombank “làm khó” giá cổ phiếu các ngân hàng khác. Thử xem nhận định này ở một so sánh nhỏ

Liệu nhà đầu tư nước ngoài có "ngây thơ" khi mua cổ phiếu ACB giá lên tới 200.000 đồng hay chào mua giá 230.000 đồng?
Liệu nhà đầu tư nước ngoài có "ngây thơ" khi mua cổ phiếu ACB giá lên tới 200.000 đồng hay chào mua giá 230.000 đồng?
Giá cổ phần Vietcombank “làm khó” giá cổ phiếu các ngân hàng khác. Thử xem nhận định này ở một so sánh nhỏ…

>>Toàn cảnh cổ phần hóa Vietcombank

Sau kết quả đấu giá cổ phần Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), một số phân tích cho rằng giá đấu thành công bình quân cổ phần ngân hàng này đã và đang “làm khó” giá cổ phiếu các ngân hàng khác.

Trước hết có thể khẳng định ảnh hưởng đó có trên thực tế, ở khía cạnh tâm lý. Bởi nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng giá đấu thành công thấp nhất là 102.000 đồng và thành công bình quân là 107.860 đồng là mức thấp.

Nhưng ở một so sánh khác (chỉ mang tính tham khảo, không phủ nhận hoàn toàn sự “làm khó” đó) lại cho thấy những điểm đáng chú ý.

Đó là ứng xử của nhà đầu tư nước ngoài.

Trước hết, kết quả cuối cùng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đặt mua 40,7 triệu cổ phần Vietcombank và chỉ trúng 28,7 triệu cổ phần, trượt 12 triệu cổ phần, trong khi room vẫn còn 3%. Điều này có nghĩa họ đã đặt mua một lượng lớn với giá thấp và trượt.

Giá thấp và trượt là cố tình hoặc với họ mức giá khởi điểm 100.000 đồng/cổ phần vẫn là cao. Ở đây, có thể liên tưởng đến mức giá mà các đối tác nước ngoài đưa ra trong đàm phán với Vietcombank theo tin đồn trước thềm IPO là khoảng 50.000 đồng/cổ phần. Tất nhiên, đây chỉ là tin đồn, không xác minh mức cụ thể được vì liên quan đến các cam kết không công bố trong đàm phán.

Thứ hai, việc thừa room và trượt nói trên lại khiến nhiều người liên tưởng tới sự cố tính thừa room cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trên sàn Tp.HCM mới đây. Lượng đặt mua ồ ạt của khối đầu tư nước ngoài trong sự cố này nói lên nhiều điều.

Cũng trong so sánh với cổ phiếu STB, từ ngày 25/12/2007, cổ đông chiến lược nước ngoài IFC của Sacombank đăng ký bán ra gần 9 triệu cổ phiếu (giảm 2% tỷ lệ sở hữu), thị trường lập tức có phản ứng. Đó là mức giá giảm mạnh nhất thời trên sàn, nhưng ngay sau đó giá STB lấy lại được cân bằng.

Ở diễn biến đáng chú ý, theo Sacombank, là ngay sau khi có thông tin bán ra nói trên, nhiều tổ chức tài chính quốc tế lập tức đề nghị được mua lại 2% đó. Diễn biến này cũng nói lên được nhiều điều.

Và trong so sánh với cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á châu (ACB) trên sàn Hà Nội cũng cho thấy những điểm đáng lưu ý.

Trong kế hoạch phát hành gần 10 triệu cổ phiếu mới đây của ACB, nhiều tổ chức nước ngoài đã tham gia đặt mua. Trong các bản chào mua của khối này, mức giá cao nhất lên tới 230.000 đồng/cổ phiếu. ACB chọn mức giá 200.000 đồng và bán 30% lượng phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Liệu nhà đầu tư nước ngoài có “ngây thơ” khi đặt mua với giá lên tới 230.000 đồng và “được” mua với giá 200.000 đồng, trong khi ACB bán cho tổ chức trong nước chỉ với giá 172.142 đồng/cổ phiếu và giá ACB trên sàn thời điểm đó chỉ xoay quanh mức 165.000 đồng/cổ phiếu? Câu trả lời cũng nói lên được nhiều điều.

Ở những so sánh trên không đề cập đến tương quan giá cổ phần Vietcombank với giá cổ phiếu STB và ACB, mà là ứng xử của nhà đầu tư nước ngoài trong những trường hợp cụ thể.

Tất nhiên, đây chỉ là một so sánh mang tính chất tham khảo. Kết luận giá cổ phần Vietcombank có “làm khó” giá cổ phiếu các ngân hàng khác hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác; trong đó, ngoài các chỉ số tài chính, triển vọng phát triển doanh nghiệp và còn có cả yếu tố tâm lý, vấn đề định giá, bối cảnh thị trường…