07:00 14/10/2023

Giá dầu đang gây áp lực đến lạm phát

Phan Linh

Trong quý 3/2023, giá dầu tăng gần 30% so với quý 2. Đầu tháng 10/2023 giá dầu đã hạ nhiệt, song giới phân tích trên thế giới vẫn dự báo vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm, bởi các “thủ lĩnh” OPEC kiên định siết chặt nguồn cung. Ở trong nước, từ tháng 7 đến cuối tháng 9, giá xăng dầu đã 7 lần tăng....

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).

Việc giá xăng dầu tăng cùng biến động giá hàng hoá vào cuối năm chắc chắn sẽ tạo áp lực lên lạm phát. VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) về những kịch bản đối với giá dầu và tác động đến việc kiểm soát lạm phát.

Từ nửa cuối tháng 8 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh, có lúc đạt 95 USD/thùng. Những yếu tố nào đẩy giá dầu tăng mạnh như vậy, thưa ông?

Nhìn chung, xu hướng tăng của giá dầu thế giới bắt đầu từ khoảng đầu tháng 7/2023, sau khi nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương với 1% nhu cầu dầu toàn cầu. Bên cạnh đó, nước này vẫn tiếp tục thực hiện mức hạn ngạch hạn chế sản lượng theo tuyên bố chung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh (OPEC+).

Việc Saudi Arabia tuyên bố duy trì kế hoạch đến hết năm 2023, ngay trong mùa tiêu thụ cao điểm tại nhiều quốc gia đã tạo ra lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, đồng minh của nhóm OPEC+ là Nga cũng cắt giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu/ngày cho tới cuối năm nay, so với mức cơ sở trung bình tháng 5 và tháng 6. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính đã đẩy giá dầu liên tục tăng cao trong giai đoạn qua.

Ngoài ra, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đưa ra dự báo, thị trường dầu sẽ thâm hụt khoảng 580.000 thùng/ngày trong quý III và 240.000 thùng/ngày trong quý IV năm nay. Điều này tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá dầu trong phần còn lại của năm 2023.

Trong quý 3/2023, giá dầu đã tăng gần 30% so với quý 2/2023, có thời điểm giá dầu WTI và Brent chạm mốc 95 USD/thùng.

Hơn nữa, một số động thái mới của Nga bao gồm lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao kể từ ngày 21/9/2023 cũng tăng lo ngại về nguồn cung nhiên liệu trên thế giới.

Giá dầu đang gây áp lực đến lạm phát - Ảnh 1

Nguyên nhân thứ hai là do nhu cầu nhập khẩu dầu của các quốc gia tiêu thụ lớn, điển hình là Trung Quốc vẫn ở mức cao, đã đẩy giá dầu tăng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 378,5 triệu tấn.

Nguyên nhân cuối cùng đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô. Kinh tế khởi sắc hơn cũng tạo động lực cho giá dầu tiếp đà tăng mạnh. Nhiều nhà phân tích đặt niềm tin vào kịch bản “hạ cánh mềm” của Mỹ, nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Trong cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các quan chức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ đạt 2,1% trong năm nay, cao hơn so với dự báo 1% vào tháng 6.

Ông nhận định thế nào về diễn biến giá dầu thế giới trong quý 4 năm 2023 và đầu năm 2024?

Hiện nay, một số Ngân hàng lớn trên thế giới bao gồm JP Morgan, Citigroup, ANZ… dự báo rằng giá dầu Brent có thể tiến tới mốc 100 USD/thùng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt từ 1 đến 2 triệu thùng/ngày.

Theo tôi, điều này là có cơ sở, nhưng đó là trong trường hợp các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ cho thấy đà tăng trưởng rất tích cực và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt hơn dự kiến. 

 

Nhóm ngành trung nguồn, bao gồm các đơn vị lọc dầu, vận chuyển xăng dầu thường sẽ có lợi nhất trong ngắn hạn khi giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, cũng sẽ tùy thuộc vào sức mạnh nội tại và tồn kho của từng doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp thượng nguồn hoạt động trong việc tìm kiếm, khai thác dầu khí, lợi ích sẽ ít hơn so với nhóm ngành trung nguồn. Lý do là doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp này đến từ các dự án, và nó thường mang tính dài hạn nhiều hơn.

Về phía các nhà xuất khẩu lớn của OPEC+, ví dụ như Saudi Arabia sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ, nên giá dầu cần phải đạt trên 80 - 85 USD/thùng mới có thể đủ đảm bảo cân bằng ngân sách của quốc gia này. Do đó, “thủ lĩnh” nhóm OPEC nhiều khả năng vẫn giữ vững động thái siết chặt nguồn cung, và điều này khiến cho giá dầu còn dư địa tăng cao trong quý cuối năm.

Tuy nhiên, việc giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng sẽ đem lại nhiều rủi ro. Thứ nhất, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ có đủ động lực tăng mạnh sản lượng khi giá vượt qua mốc này, nhằm hưởng mức lợi nhuận hấp dẫn. Sản lượng hiện tại của Mỹ khoảng 12,9 triệu thùng/ngày và dự báo sẽ đạt kỷ lục trên 13 triệu thùng/ngày trong quý IV. Ngoài ra, sản lượng của một số quốc gia ngoài nhóm OPEC cũng được kỳ vọng sẽ bù đắp một phần thiếu hụt cho thị trường.

Thứ hai, việc giá dầu tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng. Hơn nữa, các nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất trên thế giới như Mỹ, hay các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đều đang chịu sức ép lãi suất cao nhằm kiểm soát lạm phát. Về dài hạn thì biến động kinh tế vĩ mô còn khó đoán, rủi ro tăng trưởng chậm, hay suy thoái còn tiềm ẩn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới yếu tố nhu cầu, nên tôi cũng cho rằng sau khi tăng trong đầu quý 3, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt vào cuối năm nay và quý 1 năm 2024.

Trên thực tế thì đầu tháng 10, giá dầu thế giới cũng đã hạ nhiệt về vùng giá 84-85 USD/thùng, khi thị trường lo ngại lãi suất cao hơn trong thời gian dài sẽ gây sức ép tới nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Tồn kho nhiên liệu tại Mỹ cũng tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9, phản ánh sức cầu hạn chế hơn.

Giá nhiên liệu liên hệ mật thiết tới tình hình lạm phát, ông dự đoán thế nào về phản ứng của các ngân hàng trung ương lớn trước bối cảnh giá nhiên liệu leo thang?

Tôi cho rằng giá dầu đóng vai trò tác động mạnh tới chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa và tỷ lệ lạm phát. Điều này càng thể hiện rõ hơn tại các nền kinh tế lớn và “cuộc chiến” chống lạm phát của thế giới. Lấy Mỹ và EU làm ví dụ.

Từ cuối năm ngoái đến giữa năm nay, lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt, nhưng tháng 7 và 8 vừa qua lại có xu hướng tăng trở lại cùng với thời điểm giá dầu tăng cao.

Theo nguyên tắc chung, cứ giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng sẽ làm lạm phát toàn cầu tăng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc giá dầu đạt mức 100 USD/thùng trong quý IV sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng tới 0,9 điểm phần trăm, trong khi con số này tại EU và Anh là 0,4 điểm phần trăm. 

 

Từ những đúc kết trong những thời điểm căng thẳng trên thị trường dầu thô trong năm 2022, theo tôi, trong các kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tới đây, liên bộ Công thương - Tài chính vẫn nên cân nhắc sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn xăng, dầu để ngăn đà tăng của giá xăng. Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng cần thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cầu cho ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Hiện nay, lãi suất tại các quốc gia phương Tây đang ở mức cao kỷ lục. Tại Mỹ, lãi suất quỹ liên bang đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2007, khoảng 5,25-5,5%/năm. Rủi ro giá dầu tăng kéo theo lạm phát quay trở lại sẽ càng khiến nỗ lực thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gặp khó khăn khi dư địa tăng lãi suất không còn nhiều.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có một nghiên cứu cho thấy trong những giai đoạn bùng phát lạm phát ở 56 quốc gia kể từ những năm 1970, chỉ có khoảng 60% giai đoạn lạm phát được giải quyết thành công từ 3 đến 5 năm. Còn lại, các trường hợp khác thường là do chính sách tiền tệ được nới lỏng quá sớm và lạm phát quay trở lại. Do đó, giá dầu tăng sẽ mang theo rủi ro lạm phát.

Mới đây, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra thông báo cần thiết giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi chu kỳ thắt chặt chính sách toàn cầu chưa từng có đã lên đến đỉnh điểm.

Trong đó, tuyên bố “duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn” là quan điểm chính thức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cùng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ từ các nền kinh tế lớn khác. Các ngân hàng trung ương của Na Uy và Thụy Điển đều phát đi tín hiệu rằng họ có thể nâng lãi suất trở lại. Thậm chí, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) cũng đưa ra triển vọng tiếp tục tăng lãi suất dù lạm phát hạ nhiệt về mức 1,6%.

Tuy nhiên, theo tôi trong dài hạn, chính sách này có thể gây rủi ro cho tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới.

Tại Việt Nam, lạm phát tổng thể đã tăng trở lại vào tháng 8, đồng pha với diễn biến của giá dầu thế giới. Ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát trong quý cuối cùng của năm 2023?

Giá dầu đang gây áp lực đến lạm phát - Ảnh 2

Từ thời điểm tháng 7 đến cuối tháng 9/2023, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 7 lần tăng trong 8 phiên điều chỉnh.

Chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,5% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng chỉ số CPI. Giá xăng dầu tăng 10% có thể làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Việc giá xăng dầu tăng sẽ tác động đáng kể đến kinh tế, nhất là thời điểm cuối năm khi hàng hóa đua nhau tăng giá.

Đặc biệt, tháng 8/2023, chỉ số giá nhóm giao thông đã tăng 3,85% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước; giá dầu diesel tăng 15,9%.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê (GSO), tháng 9, chỉ số CPI tiếp tục tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 1,08% so với tháng 8. Trong đó, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới vẫn là một trong những nguyên nhân chính đẩy chỉ số CPI lên.

Cuối năm, khi nguồn cung thắt chặt thì khả năng cao giá dầu thế giới lại “nóng”. Trong khi đó, nhu cầu dầu thô trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc vẫn tích cực khi quốc gia này đang tận dụng công suất lọc dầu số 1 thế giới của mình để tối đa hóa lợi nhuận.

Tôi cho rằng giá năng lượng toàn cầu tăng cao, giá xăng dầu trong nước sẽ khó tránh khỏi các phiên điều chỉnh tăng. Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế có thể khiến lạm phát tăng cao 3 tháng cuối năm.

Hơn nữa, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu giá xăng, dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Mức tăng giá xăng, dầu hiện nay tác động khá lớn đến các ngành nghề sử dụng nhiều nguyên liệu này như ngành vận tải hay ngành nông, lâm, thủy sản. Còn với tiêu dùng, xăng, dầu lên giá không chỉ tăng thêm chi phí cho việc đi lại hằng ngày, mà còn gây nên bất lợi kép khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng.

Từ những đúc kết trong những thời điểm căng thẳng trên thị trường dầu thô trong năm 2022, theo tôi, trong các kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tới đây, liên bộ Công thương - Tài chính vẫn nên cân nhắc sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn xăng, dầu để ngăn đà tăng của giá xăng. Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng cần thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cầu cho ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Nhưng có vẻ thu ngân sách sẽ được hưởng lợi do giá dầu tăng, xin ông phân tích kỹ hơn khía cạnh này. Trong lĩnh vực dầu khí, những doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi lớn nhờ dầu tăng giá?

Tôi cho rằng, về mặt tích cực, giá xăng, dầu trong nước tăng sẽ làm cho nguồn thu từ các loại thuế, phí của kinh doanh xăng, dầu tăng theo và đẩy nguồn thu ngân sách nhà nước tăng lên. Theo đó, Nhà nước sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư phục hồi kinh tế phát triển.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm nay, thu từ dầu thô ước đạt khoảng 46.000 tỷ đồng, bằng 109,5% dự toán năm.

Giá dầu diễn biến tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí. Hiện nay các doanh nghiệp dầu khí đang đóng góp khoảng 8% GDP. Doanh thu nhóm ngành này khả quan hơn sẽ kéo theo khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước tăng theo.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới tăng cao trong khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, sẽ làm cho công tác điều hành giá phải tính tới các công cụ khác như giảm thuế, phí nhằm ổn định giá. Hiện tại, các loại thuế nhóm xăng dầu phải chịu bao gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

Việc sử dụng các công cụ này có thể bình ổn giá, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, đảm bảo kiểm soát tình hình giá cả trong nước, nhưng cũng sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Năm ngoái, khi giá xăng dầu tăng cao, chính sách tài khoá cũng đã được áp dụng theo hướng giảm một số loại thuế, phí. Trong đó, việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã làm giảm thu ngân sách nhà nước trên 32.500 tỷ đồng.

Về phần các doanh nghiệp, theo tôi, nhóm ngành trung nguồn, bao gồm các đơn vị lọc dầu, vận chuyển xăng dầu thường sẽ có lợi nhất trong ngắn hạn khi giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, cũng sẽ tùy thuộc vào sức mạnh nội tại và tồn kho của từng doanh nghiệp. Thường thì các đơn vị này sẽ mua nguyên liệu từ 2 đến 3 tháng trước đó. Đơn vị nào có dự báo tốt về thị trường, mua nguyên liệu từ nhiều tháng, hay kiểm soát tốt hàng tồn kho, thì sẽ có được lợi thế.

Đối với các doanh nghiệp thượng nguồn hoạt động trong việc tìm kiếm, khai thác dầu khí, lợi ích sẽ ít hơn so với nhóm ngành trung nguồn. Lý do là bởi vì doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp này đến từ các dự án, và nó thường mang tính dài hạn nhiều hơn.

Tóm lại, trong bối cảnh giá dầu diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp có dự báo tốt về diễn biến giá, có kế hoạch bảo hiểm giá xăng dầu, xây dựng tồn kho hợp lý sẽ có biên lợi nhuận hiệu quả.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2023 phát hành ngày 09-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giá dầu đang gây áp lực đến lạm phát - Ảnh 3