09:42 22/06/2018

Giá dầu giảm trước khi OPEC bước vào cuộc họp quan trọng

Diệp Vũ

OPEC và đồng minh chủ chốt là Nga có thể sẽ quyết định nâng sản lượng khai thác tại lần họp này

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih - Ảnh: Getty/Market Watch.
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih - Ảnh: Getty/Market Watch.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đồng minh chuẩn bị có cuộc họp để bàn về vấn đề sản lượng.

Cuộc họp của OPEC sẽ diễn ra trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy tại thủ đô Vienna của Áo. Theo dự báo thời gian gần đây, OPEC và đồng minh chủ chốt là Nga có thể sẽ quyết định nâng sản lượng khai thác tại lần họp này.

Dự báo trên đã đẩy giá dầu thế giới giảm liên tiếp từ cuối tháng 5, và phiên ngày thứ Năm cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, mức giảm của phiên này hạn chế phần nào nhờ dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,9 triệu thùng trong tuần trước - mức giảm mạnh nhất từ tháng 1.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao tháng 8 tại New York giảm 0,17 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 65,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại thị trường London mất 1,69 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 73,05 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ hôm 17/4 - trang Market Watch cho hay.

Từ đầu năm 2017 đến nay, OPEC và một số đồng minh dẫn đầu là Nga đã thực hiện thỏa thuận hạn chế sản lượng để vực dậy giá dầu sau thời gian giảm sâu.

Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC đồng thời là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, và Nga, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đang dẫn đầu phe chủ trương nâng sản lượng khai thác.

Trong khi đó, Iran, Iraq và Venezuela thuộc phe phản đối việc khai thác thêm dầu.

Tuy nhiên, hôm thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iran là ông Bijan Zanganeh phát tín hiệu rằng Tehran sẽ nhất trí nếu sản lượng chỉ tăng nhẹ. Đây được xem là một tín hiệu mở được cho một thỏa thuận chung về nâng sản lượng khai thác dầu tại cuộc họp lần này của OPEC.

Trong những tháng gần đây, những lời kêu gọi OPEC tăng sản lượng ngày càng lớn, vì sản lượng dầu của OPEC đã giảm nhanh hơn dự báo, chủ yếu do sản lượng dầu sụt giảm chóng mặt ở Venezuela - quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế. Khả năng xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm mạnh do Tehran bị Mỹ tái trừng phạt cũng làm dấy lên những lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, giá dầu thế giới đã tăng 50%.

Nga đã đề xuất tăng sản lượng toàn khối lên 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng giới phân tích cho rằng mức tăng như vậy là điều khó có thể đạt được, xét đến sự phản đối của Iran.

Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, trên thực tế, OPEC và đối tác đang cắt giảm sản lượng ở mức 2,8 triệu thùng/ngày, so với mức cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày trên thỏa thuận chính thức. Bloomberg cũng dự báo khối có thể nhất trí nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong lần họp này.

Theo nhà phân tích Tamas Varga thuộc PVM Oil Associates, Saudi Arabia và Nga "sẽ chống lại Iraq, Iran và Venezuela. Nhóm nước sau đang rất cần nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa vì các lý do kinh tế và chính trị", nên sẽ phản đối việc nâng sản lượng.