Giá dầu lập đỉnh mới vì nỗi lo Iran, Venezuela
Sản lượng dầu sụt giảm của Venezuela và khả năng Iran bị Mỹ tái trừng phạt là nguyên nhân đẩy giá dầu tăng
Giá dầu thô tại thị trường Mỹ ngày 7/5 vượt ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng của Venezuela đe dọa sản lượng dầu vốn dĩ đã giảm sâu của quốc gia Nam Mỹ này.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, giới đầu tư dầu lửa còn đang tính đến khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sau vài ngày nữa. Một khi Washington áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Tehran, thì xuất khẩu của Iran có thể giảm mạnh, khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt hơn nữa.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, vào lúc gần 12h trưa ngày thứ Hai theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,66 USD/thùng so với đóng cửa cuối tuần trước, tương đương tăng 0,95%, đạt mức 70,18 USD/thùng.
Giá dầu Brent tại London cùng thời điểm tăng 0,81 USD/thùng, tương đương tăng 1,08%, đạt 75,68 USD/thùng.
Giới phân tích cảnh báo khủng hoảng kinh tế ở Venezuela, một quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đang đe dọa hoạt động nghiêm trọng hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu của nước này.
Ông Shannon Rivkin, Giám đốc đầu tư công ty Rivkin Securities ở Australia, nói giá giá dầu đã bị đẩy lên bởi "những lo ngại gia tăng về sự sụp đổ kinh tế ở Venezuela và ngành công nghiệp dầu lửa của nước này, cộng thêm khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump tái áp lệnh trừng phạt đối với Iran".
Thực thi kết quả của một vụ kiện tụng giữa hai bên, hãng dầu lửa Mỹ ConocoPhillips đã có những bước đi giành quyền kiểm soát số tài sản dầu lửa trị giá 2 tỷ USD ở vùng Caribbean khỏi công ty dầu lửa quốc doanh PDVSA của Venezuela. Động thái này có thể khiến sản lượng khai thác và lượng dầu xuất khẩu vốn đã giảm của PDVSA giảm sâu hơn.
Sản lượng dầu của Venezuela hiện đã giảm một nửa so với mức hồi đầu thập niên 2000, còn 1,5 triệu thùng/ngày. Khủng hoảng kinh tế khiến nước này không thể đầu tư đầy đủ cho ngành dầu khí của mình.
Ngoài tình hình Venezuela, ông Greg McKenna, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc AxiTrader, nói rằng "câu chuyện lớn của tuần này sẽ là thỏa thuận hạt nhân Iran". Phần lớn các chuyên gia đều dự báo ông Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận này.
Iran đã trở lại địa vị cường quốc xuất khẩu dầu vào tháng 1/2016, khi nước này được dỡ lệnh trừng phạt quốc tế để đổi lấy việc Tehran kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân. Tổng thống Trump nghi ngờ Iran không trung thực trong việc thực thi thỏa thuận này, nên tuyên bố có thể rút khỏi thỏa thuận vào ngày 12/5.
Mặc dù vậy, một số nhà giao dịch tỏ ra nghi ngờ về khả năng giá dầu còn tăng nhiều.
Các quỹ đầu cơ đã cắt giảm số hợp đồng đầu cơ giá lên đối với dầu thô giao sau và trạng thái quyền chọn dầu trong tuần kết thúc vào ngày 1/5. Số hợp đồng đầu cơ giá lên đã bị cắt giảm 11.825, còn 444.060 hợp đồng - theo số liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC).
Vấn đề khiến các nhà đầu cơ giá lên thận trọng chính là sản lượng dầu ngày càng cao của Mỹ. Trong vòng 2 năm qua, sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 1/4, đạt mức 10,62 triệu thùng/ngày.
Theo dự báo, sản lượng dầu của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, có khả năng vượt mức 11 triệu thùng/ngày của Nga - quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới - khi các công ty dầu đá phiến của Mỹ hoạt động ngày càng tích cực.
Hôm thứ Sáu tuần trước, công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes công bố dữ liệu cho thấy các công ty năng lượng của Mỹ đưa thêm 9 giàn khoan dầu vào hoạt động trong tuần kết thúc vào ngày 4/5, nâng tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động ở nước này lên con số 834 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.