Giá dầu lên cao nhất từ đầu năm
Tăng liên tục 5 phiên, giá dầu ngọt nhẹ đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 23/12/2014
Giá dầu thô thế giới phiên hôm qua (15/4) đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm do có những dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu của Mỹ có thể đã đạt đỉnh.
Theo tờ Wall Street Journal, số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy, sản lượng dầu của Mỹ đã giảm trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ hai trong vòng 3 tuần trở lại đây. Đây được xem là tín hiệu mới nhất cho thấy hoạt động khai thác dầu ở Mỹ đã bắt đầu chững lại. Từ giữa năm ngoái, sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ của Mỹ là một nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới lao dốc.
Ngay sau khi báo cáo trên được công bố, giá dầu tại thị trường Mỹ đã có mức tăng mạnh nhất trong 2 tháng. Phiên tăng này củng cố xu hướng tăng vững của giá dầu thế giới trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Xu hướng phục hồi của giá dầu khiến các nhà khai thác dầu của Mỹ bớt lo ngại. Gần đây, các công ty dầu lửa ở Mỹ đã phải cắt giảm ngân sách, tạm ngừng khai thác nhiều giếng dầu, và sa thải hàng nghìn công nhân vì giá dầu giảm sâu.
Các nhà đầu tư cũng trở nên lạc quan hơn về triển vọng giá dầu, bắt đầu tin tưởng giá mặt hàng này đang bắt đầu một cuộc phục hồi sau khi “vàng đen” là một trong những tài sản rớt giá “thảm hại” nhất trong năm 2014.
Lúc đóng cửa tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5 tăng 3,1 USD/thùng, tương đương tăng 5,8%, chốt ở 56,39 USD/thùng. Tăng liên tục 5 phiên, giá dầu ngọt nhẹ đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 23/12/2014.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 1,89 USD/thùng, tương đương tăng 3,2%, đạt mức 60,32 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng đã có 5 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 6. Mức giá hiện tại là mức giá cao nhất của loại dầu này trong 1 tháng.
Theo số liệu mà EIA công bố hôm qua, sản lượng dầu của Mỹ tuần kết thúc vào ngày 10/4 giảm 0,2% so với tuần trước đó, còn chưa đầy 9,4 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, mức dầu tồn kho của Mỹ trong tuần tăng 1,3 triệu thùng - thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 3,6 triệu thùng - lên mức 483,7 triệu thùng.
Cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm ngoái, theo đó làm giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2015, từ mức tăng 700.000 thùng/ngày trong năm 2014.
Tuy vậy, IEA và một số chuyên gia vẫn thận trọng nói rằng triển vọng giá dầu đang trở nên khó đoán biết hơn bởi các điều kiện liên tục thay đổi. IEA nhấn mạnh thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Iran đạt được mới đây. Nếu một thỏa thuận cuối cùng được đưa ra và lệnh trừng phạt đối với Tehran được dỡ bỏ, Iran có thể bắt đầu xuất khẩu dầu với khối lượng lớn.
Ngoài ra, công ty Simmons & Co. International cũng có một báo cáo nói rằng sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã tăng 890.000 thùng/ngày trong tháng 3 so với tháng 2, làm gia tăng sức ép dư thừa nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu.
Theo tờ Wall Street Journal, số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy, sản lượng dầu của Mỹ đã giảm trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ hai trong vòng 3 tuần trở lại đây. Đây được xem là tín hiệu mới nhất cho thấy hoạt động khai thác dầu ở Mỹ đã bắt đầu chững lại. Từ giữa năm ngoái, sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ của Mỹ là một nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới lao dốc.
Ngay sau khi báo cáo trên được công bố, giá dầu tại thị trường Mỹ đã có mức tăng mạnh nhất trong 2 tháng. Phiên tăng này củng cố xu hướng tăng vững của giá dầu thế giới trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Xu hướng phục hồi của giá dầu khiến các nhà khai thác dầu của Mỹ bớt lo ngại. Gần đây, các công ty dầu lửa ở Mỹ đã phải cắt giảm ngân sách, tạm ngừng khai thác nhiều giếng dầu, và sa thải hàng nghìn công nhân vì giá dầu giảm sâu.
Các nhà đầu tư cũng trở nên lạc quan hơn về triển vọng giá dầu, bắt đầu tin tưởng giá mặt hàng này đang bắt đầu một cuộc phục hồi sau khi “vàng đen” là một trong những tài sản rớt giá “thảm hại” nhất trong năm 2014.
Lúc đóng cửa tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5 tăng 3,1 USD/thùng, tương đương tăng 5,8%, chốt ở 56,39 USD/thùng. Tăng liên tục 5 phiên, giá dầu ngọt nhẹ đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 23/12/2014.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 1,89 USD/thùng, tương đương tăng 3,2%, đạt mức 60,32 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng đã có 5 phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 6. Mức giá hiện tại là mức giá cao nhất của loại dầu này trong 1 tháng.
Theo số liệu mà EIA công bố hôm qua, sản lượng dầu của Mỹ tuần kết thúc vào ngày 10/4 giảm 0,2% so với tuần trước đó, còn chưa đầy 9,4 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, mức dầu tồn kho của Mỹ trong tuần tăng 1,3 triệu thùng - thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 3,6 triệu thùng - lên mức 483,7 triệu thùng.
Cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm ngoái, theo đó làm giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2015, từ mức tăng 700.000 thùng/ngày trong năm 2014.
Tuy vậy, IEA và một số chuyên gia vẫn thận trọng nói rằng triển vọng giá dầu đang trở nên khó đoán biết hơn bởi các điều kiện liên tục thay đổi. IEA nhấn mạnh thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Iran đạt được mới đây. Nếu một thỏa thuận cuối cùng được đưa ra và lệnh trừng phạt đối với Tehran được dỡ bỏ, Iran có thể bắt đầu xuất khẩu dầu với khối lượng lớn.
Ngoài ra, công ty Simmons & Co. International cũng có một báo cáo nói rằng sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã tăng 890.000 thùng/ngày trong tháng 3 so với tháng 2, làm gia tăng sức ép dư thừa nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu.