07:12 02/07/2019

Giá dầu tăng khá mạnh do tín hiệu siết sản lượng từ OPEC+

Thăng Điệp

Ngoài ra, giá dầu cũng đang được đẩy lên bởi thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ-Trung

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi có tin nhóm OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Thỏa thuận hòa hoãn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là nhân tố quan trọng mang lại sự hứng khởi cho thị trường "vàng đen" phiên đầu tuần.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 8 tại thị trường New York tăng 0,62 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 59,9 USD/thùng. Trong phiên, có lúc, giá dầu WTI vượt 60 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 8 chốt phiên với mức tăng 0,32 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, đạt 65,06 USD/thùng. Mức đỉnh của giá dầu Brent trong phiên này là 66,75 USD/thùng.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, đã bắt đầu cuộc họp chính sách sản lượng kéo dài hai ngày 1-2/7 tại Vienna, Áo. Nguồn tin từ OPEC+ nói với hãng tin CNBC rằng nhóm này sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng.

Đây là thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày mà OPEC+ đã thực thi trong 6 tháng đầu năm nay nhằm hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu đi và sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh.

Ngoài ra, giá dầu cũng đang được đẩy lên bởi thỏa thuận "đình chiến" thương mại Mỹ-Trung. Hôm thứ Bảy vừa rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí không áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau và nối lại đàm phán thương mại song phương.

Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm căng thẳng thực sự là một tin tốt cho triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đồng nghĩa giảm nhẹ sức ép đối với triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.

Ngoài ra, giá dầu còn tăng do căng thẳng Mỹ-Iran vẫn đang ở mức cao. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày thứ Hai tuyên bố rằng Tehran đã vi phạm thỏa thuận hạn nhân bằng cách vượt quá giới hạn về lượng uranium làm giàu. Ông Zarif xác nhận Iran hiện nắm giữ lượng uranium làm giàu lớn hơn ngưỡng giới hạn 300 kg đề ra trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Mới tuần trước, ông Trump ký sắc lệnh tăng cường trừng phạt Iran sau khi nước này bắn rơi một thiết bị bay không người lái (drone) của Mỹ.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đương đầu với sức ép giảm từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi. Dữ liệu công bố gần đây cho thấy ngành sản xuất đang tăng trưởng chậm lại ở Mỹ, thậm chí suy giảm ở nhiều nước châu Âu và châu Á, nên khả năng FED hạ lãi suất vẫn đang ở mức cao.

"Thỏa thuận hòa hoãn thương mại Mỹ-Trung là một nhân tố tích cực. Việc OPEC+ tiếp tục hạn chế sản lượng cũng có lợi cho giá dầu. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều điều không thể đoán biết về nhu cầu tiêu thụ năng lượng", biên tập viên Tyler Richey của Sevens Report Research nhận định. "Một số nhà đầu tư đang cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác đã quá chậm trễ, và rằng nền kinh tế toàn cầu đang trên đà rơi vào suy thoái rồi".

"Vẫn còn quá sớm để kết luận bất kỳ điều gì, và thị trường cần có thời gian để đánh giá về ảnh hưởng của một đợt cắt giảm lãi suất của FED trong tháng 7. Khả năng này gần như là 100% và vẫn đang được phản ánh vào giá dầu", ông Richey nói với trang MarketWatch. "Tuy nhiên, với khả năng suy thoái kinh tế Mỹ tăng lên, sẽ rất khó để giá dầu WTI vượt qua vùng kháng cự của năm 2019 ở ngưỡng 60-65 USD/thùng".