Giá dầu tăng khá mạnh nhờ dữ liệu khả quan từ Trung Quốc
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/4) nhờ dữ liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/4) nhờ dữ liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị cản lại bởi thông tin vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson bị nhiều nước ngừng triển khai - một diễn biến đặt ra rủi ro đối với phục hồi tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,64 USD/thùng, tương đương tăng 1%, đạt 63,91 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,48 USD/thùng, chốt ở 60,18 USD/thùng.
"Giá dầu gần đây giằng co trong biên độ hẹp và đang cần tới dữ liệu rõ ràng hơn về nhu cầu tiêu thụ dầu, cũng như một hướng đi rõ rệt của lượng dầu tồn kho của Mỹ, để có thể bứt phá khỏi vùng biên độ này", nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu với trang CNBC.
Thống kê từ Trung Quốc ngày 13/4 cho thấy xuất khẩu tháng 3 tăng mạnh, trở thành một cú huých nữa cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đi lên nhờ tiến trình tiêm chủng ngừa Covid. Ngoài ra, nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong 4 năm.
Trong đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3 tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái do các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động.
Trong báo cáo hàng tháng ra ngày 13/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu thêm 70.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước, lên mức 5,95 triệu thùng/ngày, tương đương tăng 6,6%.
Mỹ, Nam Phi và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tạm dừng việc tiêm vaccine Covid của hãng dược này sau khi có 6 phụ nữ dưới 50 tuổi phát chứng đông máu hiếm gặp sau tiêm. Diễn biến này được xem là một trở ngại lớn đối với các nỗ lực chống lại đại dịch toàn cầu, đồng thời hạn chế đà tăng của giá dầu.
Ngoài ra, giá dầu gần đây còn chịu ảnh hưởng bất lợi từ sự chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng Covid ở châu Âu, cũng như nguồn cung dầu gia tăng từ Iran. Làn sóng Covid-19 mới nổi lên ở nhiều quốc gia cũng đặt ra mối lo về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.