08:29 12/03/2019

Giá dầu tăng sau tuyên bố của Saudi Arabia

Diệp Vũ

“Saudi Arabia và OPEC rất nghiêm túc trong việc thắt chặt nguồn cung dầu”, một nhà phân tích nhận xét

Thông tin về sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ tiếp tục là một nguồn áp lực giảm giá đối với "vàng đen" - Ảnh: Reuters/CNBC.
Thông tin về sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ tiếp tục là một nguồn áp lực giảm giá đối với "vàng đen" - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, tuyên bố rằng nhiều khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ không dừng chương trình cắt giảm sản lượng hiện nay trước cuối tháng 6.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,72 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, đạt 56,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London tăng 0,84 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,3%, đạt 66,58 USD/thùng.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters hôm Chủ nhật, ông Falih nói rằng sẽ là quá sớm nếu trước cuộc họp tháng 6, OPEC đã thay đổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà khối này đang thực thi cùng một số quốc gia đồng minh gồm Nga.

"Chúng tôi sẽ chờ xem điều gì xảy ra trong thời gian từ nay đến tháng Tư, xem liệu có sự gián đoạn nguồn cung nào không. Trừ phi có sự gián đoạn, chúng tôi sẽ tiếp tục việc cắt giảm sản lượng", ông Falih nói.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã được hỗ trợ nhiều bởi việc nhóm OPEC và đối tác, hay còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày. Kế hoạch này được nhóm triển khai từ đầu tháng 1.

OPEC+ sẽ có một cuộc họp vào ngày 17-18/4, tiếp đó là cuộc họp định kỳ vào ngày 25-26/6, để bàn về chính sách sản lượng.

Phát biểu của ông Falih "cho thấy rõ rằng Saudi Arabia và OPEC rất nghiêm túc trong việc thắt chặt nguồn cung dầu", nhà phân tich Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định.

Ngoài ra, nguồn tin là một quan chức Saudi Arabia nói rằng nước này dự tính cắt giảm xuất khẩu dầu thô trong tháng 4 xuống dưới ngưỡng 7 triệu thùng/ngày.

Phiên này, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi báo cáo hàng tuần mới nhất của công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm 9 giàn, còn 834 giàn.

Trong khi đó, thông tin về sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ tiếp tục là một nguồn áp lực giảm giá đối với "vàng đen".

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở ở Paris ngày 11/3 công bố một báo cáo nói rằng sản lượng dầu của Mỹ vào năm 2024 sẽ đạt kỷ lục mới ở mức 13,7 triệu thùng/ngày, tăng 2,8 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng khoảng 11 triệu thùng/ngày trong 2018.

Theo báo cáo trên, sản lượng dầu của Mỹ có thể sẽ có mức độ phản ứng ngày càng kém hơn với diễn biến giá dầu, bởi các công ty dầu lửa lớn đang mở rộng hoạt động tại các mỏ dầu đá phiến ở nước này.

Ngoài ra, giá dầu cũng chịu sức ép giảm từ các thống kê kinh tế toàn cầu hôm thứ Sáu cho thấy sự giảm tốc của các đầu tàu kinh tế. Dữ liệu việc làm do Bộ Lao động Mỹ công bố xấu hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại rằng suy giảm tăng trưởng ở châu Á và châu Âu đang lan tới Mỹ.

"Giá dầu Brent khó giữ chắc được mốc 65 USD/thùng thời gian gần đây, một phần bởi đồng USD mạnh vẫn là một trở ngại lớn đối với giá hàng hóa cơ bản. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang yếu và nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn chưa bước vào mùa cao điểm", một báo cáo của Bank of America Merrill Lynch có đoạn viết.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, với nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và lượng dầu tồn kho trên toàn cầu giảm xuống, giá dầu Brent có thể đạt mốc 70 USD/thùng trong năm nay.