11:06 01/08/2018

Giá dầu tiếp tục đi xuống sau khi giảm mạnh trong tháng 7

Diệp Vũ

Trong tháng 7 vừa qua, giá dầu thế giới đã có tháng giảm mạnh nhất trong 2 năm

Một mỏ dầu ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc, hôm 27/6/2017 - Ảnh: Reuters.
Một mỏ dầu ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc, hôm 27/6/2017 - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 xu thế giảm, sau khi thống kê cho thấy lượng tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng. Trước đó, trong tháng 7, giá dầu thế giới đã có tháng giảm mạnh nhất trong 2 năm.

Theo dữ liệu từ hãng tin Bloomberg, lúc 10h30 trưa 1/8 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,33 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 73,88 USD/thùng.

Giá dầu WTI giao sau tại New York cùng thời điểm giảm 0,41 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 68,35 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu Brent giảm 1,8% và giá dầu WTI mất gần 2%.

Trong tháng 7, giá dầu Brent giảm 6% và giá dầu WTI "bốc hơi" 7%, đánh dấu tháng giảm giá mạnh nhất của hai loại dầu này kể từ tháng 7/2016.

Dữ liệu từ Viện Dầu lửa Hoa Kỳ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 5,6 triệu thùng trong tuần trước, cao gấp đôi mức giảm 2,8 triệu thùng mà các nhà phân tích được Reuters khảo sát đưa ra trước đó.

Ngoài ra, thông tin nói rằng sự gián đoạn nguồn cung dầu đi qua eo biển Bab al-Mandeb trên biển Đỏ có thể sớm được khắc phục cũng gây sức ép giảm giá lên "vàng đen".

Lực lượng nổi dậy Houthi của Yemen ngày 21/7 tuyên bố sẵn sàng đơn phương dừng các cuộc tấn công trên biển Đỏ để ủng hộ các nỗ lực hòa bình.

Tuần trước, Saudi Arabia tuyên bố tạm dừng vận chuyển dầu qua eo Bab al-Mandeb do hai tàu chở dầu của nước này bị quân Houthi tấn công. Động thái này của Saudi Arabia đã góp phần đẩy giá dầu lên mức cao nhất 3 tuần vào hôm thứ Hai.

Một cuộc khảo sát do Reuters tiến hành dự báo rằng dầu thô nhiều khả năng sẽ vững giá trong năm nay và năm tới nhờ nguồn cung dầu tăng lên từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Nga và Mỹ. Sự gia tăng nguồn cung này được cho là sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu tăng của khu vực châu Á, đồng thời bù đắp được những sự gián đoạn nguồn cung từ một số quốc gia sản xuất dầu lớn như Venezuela và Iran.

OPEC đã cam kết sẽ bù đắp sự mất mát sản lượng dầu từ Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong khối.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, dù đến ngày 8/7 mới được tái áp, đã bắt đầu khiến xuất khẩu dầu của Iran suy giảm. Trong tháng 6, lượng nhập khẩu dầu Iran của khách châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, Reuters cho biết.