Giá phân bón đang vào chu kỳ tăng mạnh, 10 năm một vòng
Phân bón tăng giá đột biến liên tục thời gian qua trong khi giá một số nông sản không tăng, thậm chí giảm mạnh, khiến việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn...
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 17/6, lãnh đạo Bộ Công thương đã nhận được rất nhiều câu hỏi về chủ đề nhập khẩu phân bón, chẳng hạn như: những mặt hàng phân bón như DAP, MAP nhập khẩu, Việt Nam đã áp dụng biện pháp thuế tự vệ, nhưng tại sao giá 2 loại phân bón này vẫn tăng?
GIÁ NGUYÊN LIỆU, VẬN TẢI TĂNG MẠNH
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, thông tin: Sau khi điều tra theo đúng quy định của WTO cũng như cân nhắc các yếu tố xã hội, từ năm 2017 chúng ta đã áp thuế tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau khi có hiện tượng giá tăng hai loại phân bón này từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ đầu mối quản lý mặt hàng phân bón nói chung) để theo dõi sát tình hình và đánh giá nguyên nhân khiến giá phân bón nói chung tăng trong thời gian qua.
Qua đó, các Bộ nhận thấy, giá tăng chủ yếu do tác động từ yếu tố bên ngoài. Cụ thể, nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, chi phí vận tải tăng. Với 2 loại phân bón DAP, MAP chi phí nguyên vật liệu lớn nhất để sản xuất 2 loại phân này là lưu huỳnh và amoniac.
Trong thời gian qua, giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn tăng lên 208 USD/tấn. Giá amoniac tăng 31,4% tương đương mức tăng 120 USD/tấn. Giá vận chuyển tăng từ 3-5 lần. Tất cả những yếu tố này là tác nhân chính khiến cho giá các loại phân bón nói chung tăng, không chỉ đối với một số loại phân bón chịu thuế tự vệ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình cung cầu phân bón thì thấy riêng mặt hàng phân bón DAP và MAP trong thời gian qua cung vẫn hoàn toàn đáp ứng đủ cầu.
Ví dụ như nhập khẩu phân bón DAP, MAP trong thời gian qua tăng 150%, sản xuất trong nước tăng 130%, còn cầu trong nước không có biến động quá lớn so với các năm trước. Vì vậy có thể khẳng định, cung hoàn toàn đảm bảo nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, đối với mặt hàng phân DAP, MAP khi có sản xuất trong nước đối trọng với hàng nhập khẩu thì mức tăng giá của DAP, MAP sản xuất trong nước thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của hàng nhập khẩu.
Hiện nay, giá DAP, MAP sản xuất trong nước dao động khoảng từ 9,5-10,8 triệu đồng/tấn trong khi giá nhập khẩu 14-15 triệu đồng/tấn. Như vậy, có thể khẳng định rằng: có nguồn sản xuất trong nước để đáp ứng yêu cầu và có đối trọng với hàng nhập khẩu là yếu tố giúp kìm hãm mức độ tăng giá của mặt hàng DAP, MAP nói riêng cũng như các sản phẩm phân bón nói chung.
GIÁ TĂNG CHƯA CÓ ĐIỂM DỪNG
Theo Nghị định 84/2019 của Chính phủ về quản lý phân bón, từ khâu sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu đến các nội dung khác có liên quan của phân bón vô cơ và hữu cơ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên dưới góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ bình ổn giá và sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung phân bón trên thị trường.
Cũng liên quan tới giá phân bón tăng, ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) chia sẻ, kinh nghiệm cho thấy mặt hàng phân bón có chu kỳ giá khoảng 10 năm sẽ có độ tăng, giảm. Năm nay giống như năm 2008 chu kỳ giá đi lên và có nhiều yếu tố như ông Dũng phân tích ở trên.
Song ông Ngọc bổ sung, so với cùng kỳ năm ngoái, giá vận chuyển container đã tăng 5 lần.Trong khi phân bón về Việt Nam là DAP, MAP, Ure hầu hết vận chuyển bằng container, điều này đẩy giá phân bón tăng cao.
Phân tích thêm các tác động bên ngoài đẩy giá phân tăng, ông Ngọc cho rằng tại thời điểm này, Trung Quốc có chính sách: khi trong nước có nhu cầu phân bón cao thì họ sẽ đánh thuế xuất khẩu phân Ure. Hiện thuế xuất khẩu Ure của Trung Quốc đang là 30%.
Trong khi đó, Ấn Độ đang vào vụ nên nhu cầu phân bón cao. Nguồn cung Ure ở Đông Nam Á hiện lại rất thấp. Indonesia, Malaysia đang chu kỳ vận hành bảo dưỡng máy… Những yếu tố này đẩy giá thế giới lên cao. Đặc biệt, giá phân bón thế giới và Việt Nam đã thông nhau, nên giá trong nước chịu tác động lớn từ thị trường ngoài nước là điều dễ nhận thấy.
Hơn nữa, trong sản xuất phân Ure, hiện Việt Nam sản xuất theo 2 nguồn là than và khí. Giá của than và khí đều tăng cao, nên ông Ngọc cho rằng, giá phân bón vẫn sẽ leo cao từ giờ đến hết năm.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình giá của phân bón để khuyến nghị những giải pháp phù hợp theo đúng quy định.