13:00 12/12/2023

Gia tăng giá trị sản phẩm du lịch liên kết TP.HCM - ĐBSCL

Tường Bách

Bắt đầu từ năm 2019, giữa TP.HCM và 13 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ký kết chương trình liên kết phát triển du lịch trên tinh thần kết nối các điểm đến, và TP.HCM là đầu mối để đưa du khách về ĐBSCL…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đề cập về nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy từng khẳng định, trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam các thời kỳ, vùng ĐBSCL luôn được định vị là vùng du lịch, có những đặc trưng riêng biệt, có các quan hệ liên kết nội vùng, ngoại vùng để phát triển du lịch.

NHIỀU ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, với đa dạng sản phẩm du lịch, năm 2019 - thời điểm phát triển mạnh của du lịch Việt Nam trước khi Covid-19 bùng phát, tổng lượng khách du lịch đến các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đạt 46,4 triệu lượt, chiếm khoảng 45% tổng lượt khách du lịch của cả nước. Sau đại dịch, năm 2022, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hút trên 37, 5 lượt khách đến tham quan, tăng 238,45% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng doanh thu du lịch của vùng năm qua đạt trên 32.078,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng sản phẩm du lịch ĐBSCL rất khác biệt, không hề trùng lắp như nhiều người nói. Ông Thọ dẫn chứng như trong ẩm thực thì hủ tiếu Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) hoàn toàn khác với hủ tiếu Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). ĐBSCL có cù lao, rừng ngập mặn làm say lòng du khách nên cần nghiên cứu sản phẩm mới. Để liên kết du lịch thành công thì cần có sản phẩm cụ thể của từng tỉnh, thành…

ĐBSCL luôn được định vị là vùng du lịch, có những đặc trưng riêng biệt, có các quan hệ liên kết nội vùng, ngoại vùng để phát triển du lịch.
ĐBSCL luôn được định vị là vùng du lịch, có những đặc trưng riêng biệt, có các quan hệ liên kết nội vùng, ngoại vùng để phát triển du lịch.

Đồng tình, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, cho hay doanh nghiệp này đã đi khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, tìm kiếm và chọn lọc những điểm đến nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Một số tour khởi hành từ TP.HCM được Saigontourist Group đưa ra để phục vụ khách nội địa và quốc tế như: tour "Sắc màu Khmer" đi tuyến Trà Vinh - Vĩnh Long 2 ngày 1 đêm; tour Bến Tre - Trà Vinh 2 ngày 1 đêm, tour Long An - làng cổ Phước Lộc Thọ - làng nổi Tân Lập 1 ngày, tour Làng hoa Sa Đéc - nhà cổ Huỳnh Thủy Lê 1 ngày…

Đến nay, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành mà ngay cả nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đều khẳng định chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai, tạo hiệu ứng lan tỏa trên cả nước. Để thúc đẩy liên kết du lịch, các địa phương, doanh nghiệp đã và đang tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ - bao gồm AI (trí tuệ nhân tạo) - vào hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến, xây dựng sản phẩm mới, đạt hiệu quả cao.

Ông Trương Gia Khánh, Giám đốc Điều hành Vian Travel, cho biết nhờ ứng dụng công nghệ vào phân khúc inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam), số lượng sản phẩm du lịch đã tăng lên nhiều, đáp ứng nhu cầu của du khách. Cụ thể, Vian Travel đã ứng dụng QR Code để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới du khách. Ngay trên nền tảng QR Code, du khách có thể tìm hiểu toàn bộ sản phẩm du lịch từ TP.HCM đi ĐBSCL, đặt tour, lịch trình theo nhu cầu.

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với ĐBSCL là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai, tạo hiệu ứng lan tỏa trên cả nước.
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với ĐBSCL là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai, tạo hiệu ứng lan tỏa trên cả nước.

Đánh giá về tiềm năng du lịch trong việc liên kết với TP.HCM, nhiều doanh nghiệp nhận định điều kiện thuận lợi là cơ sở hạ tầng phát triển nhanh vài năm nay; chất lượng dịch vụ khách sạn, nhà hàng, resort… có nhiều cải thiện. Số lượng đường bay kết nối TP.HCM với ĐBSCL nhiều hơn, tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tới vùng này ngày càng tăng.

NÂNG TẦM LIÊN KẾT

Ngày 10/12 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức hội nghị "Tổng kết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL" với chủ đề "Nâng tầm liên kết - Phát triển bền vững". Theo đó, trong năm 2023, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ trì tổ chức 07 chương trình famtrip, kết nối các doanh nghiệp du lịch - lữ hành của TP.HCM và các tỉnh, thành khác với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tại Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau với khoảng 600 lượt doanh nghiệp du lịch - lữ hành tham gia kết nối.

Theo ghi nhận, năm 2023, lượng khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế tham gia vào chương trình du lịch liên kết để trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ, với hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh với nhiều hoạt động sáng tạo, thúc đẩy du lịch vùng có nhiều chuyển biến, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch và tạo ra những giá trị khác biệt của thị trường du lịch nội địa và quốc tế.

Khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế, với hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch tham gia chương trình liên kết về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế, với hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch tham gia chương trình liên kết về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, một số nội dung trọng tâm như kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến quốc tế mời gọi đầu tư du lịch vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; xây dựng website quảng bá du lịch chung cho cả vùng, hội nghị kích cầu về du lịch vùng... chưa thực hiện được do ảnh hưởng của các nội dung chuyên môn khác và công tác phối hợp.

Ông Nguyễn Minh Triết, Giám đốc Khu vực Tây Nam bộ, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, đánh giá thông tin về các điểm khảo sát còn khá ít. Các địa phương cần cung cấp thêm hình ảnh, thông tin; cần chính sách giá kích cầu đủ mạnh để tạo sức hút đối với du khách. Ông Lê Thanh Phong, Phó giám đốc Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thì nhận xét: Du lịch của vùng vẫn còn tồn tại nhiều năm chưa khắc phục được như sản phẩm các địa phương phát triển chủ yếu dựa theo không gian, tài nguyên du lịch na ná giống nhau, sản phẩm du lịch cũng giống nhau, tính đặc thù chưa cao. Trong vùng, chỉ có Phú Quốc (Kiên Giang) là nổi bật nhất, đạt đẳng cấp quốc tế.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành trao đổi, thảo luận bàn giải pháp thúc đẩy liên kết hợp tác phát triển du lịch trong năm 2024. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch. Hướng tới mục tiêu thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến với TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thời gian tới.