Giá thép lên cao gây áp lực lạm phát tăng 4-5% trong quý 2/2021?
Lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên đạt trung bình 4-5% trong quý 2/2021 so với mức 0,3% trong quý 1/2021…
Báo cáo cập nhật vĩ mô quý 2/2021, VnDirect Research cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 2 sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, dịch Covid-19 gần nhất bùng phát đã lan ra 26 địa phương, bao gồm hai thành phố lớn nhất của Việt Nam, cản trở đà phục hồi của nền kinh tế trong nước, đặc biệt là trong hai tháng tới mà ngành dịch vụ sẽ chịu tác động mạnh nhất.
Theo đó, đà phục hồi của phân ngành du lịch sẽ chững lại do đợt dịch mới, trong khi việc đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu tại một số tỉnh thành có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của các phân ngành dịch vụ khác, đặc biệt là phân ngành dịch vụ lưu trú ăn uống và dịch vụ giải trí.
VnDirect kỳ vọng chỉ số CPI nhóm giao thông vận tải sẽ duy trì đà tăng trong hai tháng tới. Cụ thể, dự báo giá xăng RON95 bình quân ở mức 19.636 đồng/lít trong giai đoạn tháng 5 - tháng 6 năm 2021, cao hơn 46,8% so với mức giá của giai đoạn tháng 5 – tháng 6 năm 2020.
Ngoài ra, giá thép xây dựng duy trì xu thế tăng giá trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép, phế liệu và chi phí vận chuyển tiếp tục tăng. EVN đã giảm giá điện bán lẻ trong giai đoạn tháng 5 - tháng 7 năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần đầu, và hiện tại EVN đã ngưng hình thức hỗ trợ này.
Do đó, dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên, đạt trung bình 4-5% so với cùng kỳ trong quý 2/2021 (so với mức 0,3% trong quý 1/2021). Áp lực lạm phát sẽ hạ nhiệt trong giai đoạn tháng 8 - tháng 12 năm 2021 nhờ CPI nhóm lương thực thực phẩm giảm và giữ nguyên dự báo CPI bình quân năm 2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ.
Về lãi suất ngân hàng, VnDirect cho rằng dư địa tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành là hạn chế do áp lực lạm phát dự báo tăng cao trong quý 2/2021 do giá dầu thô thế giới tăng. Giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng gần đây do sốt đất cục bộ tại một số địa phương buộc Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động khó có thể giảm thêm do nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu tín dụng tăng cao, nên các ngân hàng thương mại phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh dòng vốn trong dân cư đang bị hút sang các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán.
Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ ít chịu áp lực tăng lên trong hai tháng tới. Trong khi đó, lãi suất tín dụng sẽ duy trì ổn định từ nay đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Với tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt của các ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại sẽ cần ổn định lại lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
“Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư có thể sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong hai tháng tới. Chúng tôi vẫn tin rằng các nền tảng vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được củng cố, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại ở mức cao, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng lên; những yếu tố hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam đối phó được với những rủi ro đến từ cả nội tại lẫn bên ngoài. Do vậy, giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 không đổi ở mức 6,7%”, VnDirect nhận định.