09:30 26/07/2007

Giá tiêu dùng cuối năm còn tăng cao?

Dương Ngọc

Từ diễn biến giá tiêu dùng trong bảy tháng qua, có thể dự đoán xu hướng biến động giá tiêu dùng trong thời gian tới

Trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ, giá thực phẩm tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ, giá thực phẩm tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung - Ảnh: Việt Tuấn.
Từ diễn biến giá tiêu dùng trong bảy tháng qua và từ các số liệu của tháng 7, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý về diễn biến giá tiêu dùng trong thời gian qua và dự đoán xu hướng biến động trong thời gian tới.

Thứ nhất, giá tiêu dùng có xu hướng cao lên qua các tháng, tháng 3/2007 giảm 0,2%, tháng 4 tăng 0,5%, tháng 5 tăng 0,8%, tháng 6 tăng 0,9%, tháng 7 tăng 0,94%.

Thứ hai, giá tiêu dùng năm nay tăng với tốc độ cao hơn so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Trừ tháng 1 tăng thấp hơn (1,1% so với 1,2%) do Tết Nguyên đán năm ngoái đến sớm hơn, năm nay đến muộn hơn gần một tháng, còn các tháng khác, tốc độ tăng giá tiêu dùng đều cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Cụ thể: tháng 2 tăng 2,2% so với tăng 2,1%, tháng 3 giảm 0,2% so với giảm 0,5%, tháng 4 tăng 0,5% so với tăng 0,2%, tháng 5 tăng 0,8% so với tăng 0,6%, tháng 6 tăng 0,9% so với tăng 0,4%, tháng 7 tăng 0,94% so với tăng 0,4%.Tính chung 7 tháng năm nay giá tiêu dùng cũng tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (tăng 6,2% so với tăng 4,4%).

Thứ ba, trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ, giá thực phẩm tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung. Nguyên nhân chủ yếu là do đàn lợn bị giảm sút, do một thời gian dài giá thức ăn đắt, chi phí chăn nuôi cao, người nông dân nuôi lợn chỉ lấy công làm lãi, nhiều hộ làm nông nghiệp nhưng đã để trống chuồng.

Nguyên nhân do dịch lợn lở mồm long móng, rồi lợn bị bệnh tai xanh diễn ra liên tiếp ở nhiều địa phương; dịch cúm gia cầm tái diễn và kéo dài sang cả mùa hè; đàn trâu tiếp tục giảm...

Giá vật liệu xây dựng tăng cao hơn tốc độ chung do chi phí đầu vào (giá điện, chi phí vận chuyển, giá phôi thép, giá than...) tăng. Giá lương thực tăng do lượng lúa sản xuất bị giảm khoảng nửa triệu tấn, giá gạo xuất khẩu tăng cao (bình quân 6 tháng năm nay tăng 16,4% so với bình quân 6 tháng cùng kỳ năm trước).

Nếu từ nay đến cuối năm, giá tiêu dùng cũng tăng như 5 tháng cuối năm 2006 (tháng 8 tăng 0,4%, tháng 9 tăng 0,3%, tháng 10 tăng 0,2%, tháng 11 tăng 0,6%, tháng 12 tăng 0,5%, tức là tăng 2,02%) thì cả năm 2007 sẽ tăng 8,34%.

Tuy nhiên, trong 5 tháng tới, các chuyên gia đã dự đoán giá tiêu dùng sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Dự đoán này căn cứ vào nhiều yếu tố tác động tới giá tiêu dùng tới đây, trong đó nổi bật có một số yếu tố sau.

Một, giá tiêu dùng đang trong xu thế cao lên (như đã nói ở trên).

Hai, tốc độ tăng dư nợ tín dụng tiếp tục cao, mặc dù thời gian qua đã được "chặn lại" bằng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ (như tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán...).

Ba, giá cả thế giới vẫn đang ở mức cao và vẫn trong xu thế tăng, nhất là giá phôi thép, xăng dầu, phân bón... Tỷ giá giữa đồng Việt Nam so với một số đồng tiền mạnh khác (Bảng Anh, Euro, Yên Nhật) và so với Nhân dân tệ, Baht Thái... tăng mạnh, làm cho giá nhập khẩu bị tăng kép (vừa tăng do bản thân giá tính bằng ngoại tệ, vừa tăng do tỷ giá VND/các ngoại tệ).

Bốn, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường.

Do vậy, tốc độ tăng giá tiêu dùng 5 tháng còn lại khó mà thấp ở mức 2,02% như năm trước, mà có thể ở mức 2,5%, tức là bình quân 1 tháng tăng khoảng 0,5%. Nếu thế, tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2007 sẽ lên đến trên 8,8%, cao hơn nhiều tốc độ tăng 6,6% của năm 2006, cũng cao hơn tốc độ tăng 8,4% của năm 2005.