12:10 17/11/2012

Giá vàng khép lại một tuần đi xuống

An Huy

Trong tuần này, giá vàng quốc tế giảm khoảng 1%, đánh dấu tuần giảm thứ 5 trong vòng 6 tuần trở lại đây

Diễn biến giá vàng SJC trong 10 ngày gần nhất, tính đến hơn 10h trưa nay, 17/11/2012 - Nguồn: SJC.<br>
Diễn biến giá vàng SJC trong 10 ngày gần nhất, tính đến hơn 10h trưa nay, 17/11/2012 - Nguồn: SJC.<br>
Không duy trì được xung lực tăng mạnh của tuần trước, giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt giảm nhẹ trong tuần này. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND có thêm một tuần ổn định.

Lúc hơn 10h trưa nay, giá vàng SJC tại thị trường Tp.HCM theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 46,78 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,98 triệu đồng/lượng (bán ra), bằng với mức giá áp dụng cuối giờ chiều qua. So với sáng thứ Bảy tuần trước, giá vàng SJC hiện đã giảm 70.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội cùng thời điểm trên, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý báo giá vàng SJC ở mức 46,89 triệu đồng/lượng và 46,99 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán.

Giá vàng đã có một tuần biến động không rõ xu hướng quanh ngưỡng 47 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng miếng giao dịch khá chậm do giá kém hấp dẫn.

Câu chuyện được chú ý nhiều trong tuần này là cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về vấn đề quản lý thị trường vàng. Thống đốc Bình đã nêu chủ trương không dùng ngoại tệ để nhập vàng hay kéo giá vàng trong nước về sát thế giới vì “vàng không thuộc diện bình ổn giá”.

So với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng trong nước hiện đang cao hơn xấp xỉ 3,9 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội phổ biến ở mức 20.840 đồng (mua vào) và 20.860 đồng (bán ra), bằng với mức giá vào sáng thứ Bảy tuần trước. Trong tuần này, giá USD tự do gần như chỉ đi ngang, duy trì xu thế ổn định của những tuần trước.

Giá vàng thế giới đã giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần. Chốt phiên đêm qua tại New York, giá vàng giảm 2,4 USD/oz, còn 1.714,7 USD/oz, tương đương khoảng 43,1 triệu đồng/lượng.

Trong tuần này, giá vàng quốc tế giảm khoảng 1%, đánh dấu tuần giảm thứ 5 trong vòng 6 tuần trở lại đây. Như một tài sản rủi ro, vàng mất giá trong tuần này sau khi thống kê cho thấy bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.

GDP của Nhật bất ngờ giảm mạnh trong quý 3, khối Eurozone đã rơi vào suy thoái, Mỹ có một số dữ liệu kinh tế không khả quan như dự báo, trong khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đưa ra nhận định kém lạc quan về triển vọng của thị trường địa ốc. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, kinh tế u ám sẽ khiến lạm phát khó tăng, trong khi vàng là một kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải bán vàng ra để bù lỗ.

Tuy nhiên, vai trò kênh đầu tư an toàn có thể được phát huy nếu Quốc hội Mỹ không thống nhất được các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách, dẫn tới sự xuất hiện của “vực thẳm ngân sách” vào đầu năm sau. Ngoài ra, vàng còn đang được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông giữa Israel và Palestine.

Mặc dù vậy, số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố trong tuần này cho thấy, nhu cầu vàng toàn cầu đã giảm 11% trong quý 3 năm nay từ mức kỷ lục vào cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhu cầu đầu tư vào vàng vẫn đang ở mức cao.

Cụ thể, tính đến hôm qua (16/11), quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đang nắm giữ khối lượng vàng cao kỷ lục là 1.342,6 tấn. Trong phiên hôm qua, quỹ này đã mua vào 3 tấn vàng.