09:23 25/02/2025

Giá vàng lập kỷ lục thứ 11 trong năm 2025, “cá mập” SPDR Gold Trust gom mạnh

Điệp Vũ

Việc quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới mua ròng mạnh cũng đang là một động lực cho xu hướng tăng giá của kim loại quý...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/2), khi nhu cầu phòng ngừa rủi ro toàn cầu tiếp tục ở mức cao trong bối cảnh các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Việc quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới mua ròng mạnh cũng đang là một động lực cho xu hướng tăng giá của kim loại quý.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 4 USD/oz so với mức chốt của tuần trước, tương đương tăng 0,13%, đạt 2.954,3 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Trong phiên, có lúc giá vàng đạt 2.956,15 USD/oz - mức đỉnh mới của mọi thời đại và đánh dấu lần thứ 11 giá vàng lập kỷ lục từ đầu năm đến nay.

Tại thời điểm gần 9h sáng nay (25/2) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 6,3 USD/oz so với giá đóng cửa phiên Mỹ, tương đương giảm 0,22%,  giao dịch ở mức 2.948 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 91,1 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Dồn dập các kế hoạch thuế quan được ông Trump công bố trong tháng cầm quyền đầu tiên đã thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư toàn cầu, và vàng đã phát huy mạnh mẽ vai trò “hầm trú ẩn”. Tuần trước, ông Trump tiếp tục đưa ra ý tưởng áp thuế quan lên ô tô, chip và dược phẩm. Ngày thứ Hai, ông cho biết kế hoạch áp thuế quan 25% lên hàng hóa Canada và Mexico sẽ được triển khai sau khi hết thời hạn hoãn 1 tháng.

Không chỉ gây ra những bất định lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thuế quan còn có thể đẩy lạm phát lên cao. Dù lạm phát tăng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn - một môi trường không có lợi cho giá vàng - nhưng vàng hoàn toàn có thể phát huy vai trò kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu trong một môi trường như vậy.

Đồng USD đang có chiều hướng yếu đi sau một thời gian tăng giá mạnh cũng đang là một yếu tố hỗ trợ giá vàng. Phiên ngày thứ Hai, chỉ số Dollar Index có lúc giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi, trước khi hồi về mức 106,6 điểm khi đóng cửa - giảm nhẹ so với mức chốt của tuần trước.

“Nhà đầu tư tin rằng trong những tuần và tháng sắp tới, hoặc lâu hơn thế, giá vàng còn tiếp tục tăng”, nhà phân tích Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhận định. “Xu hướng chính của giá vàng bây giờ vẫn là giằng co theo chiều đi lên, và chừng nào sự bấp bênh còn tồn tại, giá vàng còn tiếp tục tăng”.

Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 3,15 tấn vàng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, nâng khối lượng nắm giữ lên mức 907,53 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.

Việc giá vàng duy trì mốc 2.950 USD/oz khiến giới đầu tư hướng sự chú ý tới mốc 3.000 USD/oz. Nhiều người cho rằng mức giá tâm lý quan trọng này sẽ sớm được thiết lập. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 12%.

Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Số liệu kinh tế Mỹ quan trọng đối với thị trường vàng trong tuần này chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - công bố vào ngày thứ Sáu. Dữ liệu này có thể ảnh hưởng tới triển vọng lãi suất Fed, từ đó tác động lên giá vàng.

Theo một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế của hãng tin Reuters, Fed có thể sẽ đợi cho tới quý 2 mới giảm thêm lãi suất. Trong lần khảo sát trước đó, phần đông chuyên gia đã dự báo Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3.

Ngoài các số liệu kinh tế và tin tức về thuế quan và địa chính trị, phát biểu của các quan chức Fed cũng sẽ thu hút sự quan tâm trong tuần này. Có ít nhất 9 quan chức Fed sẽ phát biểu trong tuần và được dự báo sẽ tiếp tục đưa ra quan điểm thận trọng về nới lỏng chính sách tiền tệ.