Chính phủ Mỹ có thể định giá lại dự trữ vàng quốc gia
Gần đây, trên thị trường tài chính xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng Mỹ có thể định giá lại dự trữ vàng của nước này...

Chính phủ Mỹ - vốn đang trong nỗ lực cắt giảm chi phí - có thể hưởng lợi gần 800 tỷ USD từ việc định giá lại dự trữ vàng quốc gia. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng một động thái như vậy có thể dẫn tới rủi ro trong dài hạn lớn hơn so với lợi ích trong ngắn hạn.
Gần đây, trên thị trường tài chính xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng Mỹ có thể định giá lại dự trữ vàng của nước này. Bộ Tài chính Mỹ hiện đang nắm dự trữ vàng lớn nhất thế giới, khoảng 8.100 tấn, nhưng giá trị của kho vàng này đã không thay đổi kể từ năm 1972 - thời điểm giá vàng còn ở mức 42 USD/oz.
Một số nhà phân tích lưu ý rằng nếu Chính phủ Mỹ định giá lại dự trữ vàng quốc gia ở mức giá vàng hiện tại hơn 2.900 USD/oz, quốc khố của nước này sẽ được bổ sung thêm hơn 760 tỷ USD.
Đồn đoán về việc Mỹ có thể định giá lại dự trữ vàng quốc gia đã rộ lên sau khi tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố ông muốn “tiền hóa bên tài sản trong bảng cân đối kế toán của quốc gia”. Nhưng vào hôm thứ Năm vừa rồi, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin không tiết lộ danh tính nói rằng ý tưởng này hiện “không được xem xét một cách nghiêm túc” bởi các cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Donald Trump.
Một số nhà phân tích cũng lập luận rằng định giá lại dự trữ vàng quốc gia có lẽ không phải là cách tốt nhất để Chính phủ Mỹ cải thiện bảng cân đối kế toán của mình.
Trao đổi với trang Kitco News, ông Robert Minter - Giám đốc phụ trách chiến lược quỹ ETF của công ty đầu tư abrdn - nói rằng áp mức giá hiện tại cho dự trữ vàng sẽ không tạo ra thay đổi đáng kể đối với những vấn đề tài chính của Washington.
“Việc định giá lại dự trữ vàng theo giá thị trường gần 3.000 USD/oz sẽ cải thiện tỷ lệ giữa nghĩa vụ nợ và tài sản của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nhưng cũng chỉ để đưa Fed đạt tới tỷ lệ tương tự như ở các ngân hàng lớn của Mỹ như Goldman Sachs. Nếu dự trữ vàng được định giá lại, tỷ lệ nghĩa vụ nợ/tài sản của Fed là 12/1 (cứ 1 USD tài sản lại có 12 USD nghĩa vụ nợ). Tỷ lệ này ở các ngân hàng lớn của Mỹ là khoảng 11/1. Với dự trữ vàng được định giá ở mức 42 USD/oz, tỷ lệ nghĩa vụ nợ/tài sản của Fed là 179/1 (cứ 1 USD tài sản lại có 179 USD nghĩa vụ nợ)”, ông Minter cho biết.
Bà Nicky Shiels, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược kim loại quý của công ty MKS PAMP, nhận định số tiền có thêm được từ việc định giá lại dự trữ vàng quốc gia của Mỹ chỉ là “muối bỏ bể” so với khối nợ quốc gia trên 36 nghìn tỷ USD của Mỹ. Ngoài ra, bà Shiels cũng nói rằng hiện chưa rõ những đồn đoán về việc Mỹ định giá lại dự trữ vàng sẽ có tác động như thế nào tới giá kim loại quý này.
Tuy nhiên, bà Shiels cũng đề cập đến một số rủi ro trong trường hợp Mỹ định giá lại dự trữ vàng, bao gồm việc động thái này chỉ mang tới “cú huých” một lần cho ngân khố quốc gia. Một rủi ro thứ hai là việc định giá lại có thể diễn ra vào một thời điểm rất nhạy cảm là giá vàng thế giới đang ở vùng kỷ lục, có thể dẫn tới những xáo trộn lớn trên thị trường tài chính.
Định giá lại dự trữ vàng quốc gia không phải là ý tưởng đầu tiên liên quan tới kho vàng của Mỹ mà các cố vấn của ông Trump từng tính đến. Ông Stephen Miran - người được ông Trump đề cử cho cương vị người đứng đầu Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng - đã đưa ra ý tưởng Mỹ bán vàng và dùng tiền thu được để mua các đồng tiền khác. Cách làm này có thể làm suy yếu đồng USD, mang lại lợi thế thương mại cho Mỹ.
Nếu Mỹ bán vàng dự trữ, việc đó sẽ ảnh hưởng tới giá trị dự trữ vàng của ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi - những nước đã mua vàng với tốc độ kỷ lục trong 3 năm trở lại đây.
Vào năm ngoái, bà Judy Shelton - người được cho là có thể sẽ được ông Trump chọn cho ghế Chủ tịch Fed một khi Chủ tịch Fed hiện tại là ông Jerome Powell mãn nhiệm - đưa ra ý tưởng Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu có thể thanh toán bằng vàng.