16:10 30/10/2024

Giá vàng miếng tăng vọt lên 90 triệu đồng, nhiều doanh nghiệp mua vàng nhẫn vượt giá vàng miếng

Ánh Tuyết

Cuối phiên giao dịch ngày 30/10, Công ty SJC đẩy giá vàng miếng lên mức 88 - 90 triệu đồng/lượng hai chiều mua vào - bán ra sau khi giá vàng thế giới hồi phục mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng như: Doji, PNJ cũng niêm yết giá mua vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng...

Giá vàng bán ra trong nước chỉ còn cách mức đỉnh từng thiết lập ngày 10/5 là 2,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng bán ra trong nước chỉ còn cách mức đỉnh từng thiết lập ngày 10/5 là 2,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC trong nước neo ở mức cao suốt 1 tuần qua, án ngữ ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng hai chiều, bất chấp có phiên giá vàng thế giới bốc hơi hơn 40 USD/ounce vì bị bán tháo ồ ạt.

Đến phiên chiều ngày 30/10, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chính thức nâng giá niêm yết giá vàng miếng SJC chạm ngưỡng 90 triệu đồng/lượng chiều bán ra, chiều mua vào là 88 triệu đồng/lượng, sau khi giá vàng thế giới hồi phục đà tăng.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji nâng giá vàng miếng SJC lên mức 88 - 90 triệu đồng/lượng hai chiều mua vào - bán ra.

Trong khi đó, vàng miếng tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết thấp hơn 1 triệu đồng/lượng cả hai chiều so với Công ty SJC và Doji, giao dịch mức 87 - 89 triệu đồng/lượng.

Các ngân hàng thương mại niêm yết giá vàng miếng bán ra đồng loạt ở mức 89 triệu đồng/lượng.

Với vàng nhẫn loại 1-5, Công ty SJC cũng điều chỉnh tăng 87,5 - 89 triệu đồng/lượng (mua - bán), cao hơn 500 nghìn đồng/lượng cả hai chiều so với kết phiên giao dịch hôm qua.

Tại Doji, doanh nghiệp này niêm yết giá mua vàng nhẫn là 88,6 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vàng miếng SJC 600 nghìn đồng/lượng; còn chiều bán ra là 89,6 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn giá vàng miếng 400 nghìn đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất của vàng nhẫn trong nước được niêm yết từ trước đến nay.

Đáng chú ý, tại PNJ, giá mua vàng nhẫn là 88,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá mua vàng miếng SJC 1,3 nghìn đồng/lượng, còn chiều bán ra là 89 triệu đồng/lượng, tương đương giá vàng miếng.

 

Trên thị trường quốc tế, giá vàng tăng bùng nổ, giao dịch ở mức 2.783 USD/ounce, nhiều thời điểm trong phiên lên sát ngưỡng 2.800 USD/ounce.  Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 87 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, chỉ thấp hơn khoảng 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Tỷ giá trung tâm ngày 30/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.246 đồng/USD, giảm 6 đồng so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá trần là 25.464 VND/USD, tỷ giá sàn là 23.039 VND/USD.

Tỷ giá ngân hàng thương mại cũng giảm nhẹ tương ứng. Chiều nay, giá USD ở Vietcombank được niêm yết ở mức 25.128 đồng/USD (mua vào) và 25.458 đồng/USD (bán ra).

Như vậy, giá vàng bán ra trong nước chỉ còn cách mức đỉnh từng thiết lập ngày 10/5/2024 (92,4 triệu đồng/lượng) là 2,4 triệu đồng/lượng, khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp nhiều biện pháp làm giảm sức nóng của giá vàng.

Từ đầu năm đến nay, mức giá tăng lịch sử của kim loại quý lên tới 35% nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ xung đột chính trị địa chính trị, hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương toàn cầu và sự không chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11 tới đây, cùng khả năng có thêm nhiều biện pháp kích thích tài khóa là những yếu tố chính thúc đẩy giá vàng tăng cao.

Báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong quý 3/2024, tăng mạnh 132% so với cùng kỳ năm 2023 và ghi nhận nhu cầu kỷ lục của các ngân hàng trung ương và nhu cầu thương mại chưa từng có tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.