11:15 01/09/2011

Giá vàng tăng gần 7 triệu đồng trong tháng 8

Kiều Oanh

Giá vàng trong nước sáng nay hạ thêm khoảng 200.000 đồng/lượng, giá USD tự do chứng lại ở 21.000 đồng

Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục co hẹp.
Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục co hẹp.
Giá vàng trong nước sáng nay hạ thêm khoảng 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua, giá USD tự do chứng lại ở 21.000 đồng. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục co hẹp.

Lúc 10h45 trưa nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo giá vàng SJC niêm yết cho thị trường Tp.HCM ở mức 46,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,75 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 180.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với cuối giờ chiều qua. So với đầu giờ sáng qua, vàng SJC hiện đã rẻ đi khoảng 600.000 đồng/lượng.

Tại Hà Nội, Công ty Phú Quý lúc gần 11h niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,55 triệu đồng/lượng và 46,88 triệu đồng/lượng, giảm 120.000 đồng/lượng so với lúc 17h chiều qua.

Từ đầu giờ sáng đến 10h, giá vàng trong nước diễn biến theo xu hướng chính là giảm, nhưng sau đó giá vàng tăng trở lại theo quốc tế. Công ty Sacombank-SBJ từ khi mở cửa đến lúc 10h35 đã có 7 lần thay giá, theo hướng giảm trước, tăng sau. Trong lần báo giá gần nhất, công ty này niêm yết giá vàng SBJ ở mức 46,44 triệu đồng/lượng và 46,74 triệu đồng/lượng.

Tháng 8 vừa qua có thể được xem là tháng lịch sử của giá vàng trong nước và quốc tế. Giá vàng trong nước đã có thời điểm lên 49,2 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới lập đỉnh trên 1.910 USD/oz. Biểu đồ giá vàng của SJC cho thấy, trong tháng 8, giá vàng tại doanh nghiệp này đã tăng từ hơn 40 triệu đồng/lượng lên 46,7 triệu đồng/lượng hiện nay, tương đương mức tăng gần 17%, so với mức tăng 12% của giá vàng thế giới.

Tốc độ tăng của giá vàng trong nước trong tháng 8 nhiều thời điểm vượt xa mức tăng cả giá vàng quốc tế, đưa mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế có lúc lên trên 2 triệu đồng/lượng. Với các biện pháp hạ nhiệt thị trường của Ngân hàng Nhà nước như bổ sung nguồn cung vàng thông qua 2 đợt cấp hạn ngạch nhập khẩu, giá vàng trong nước đang về sát hơn giá thế giới.

Lúc 10h sáng nay, giá vàng trong nước đứng cao hơn giá quốc tế quy đổi khoảng 800.000 đồng/lượng. Ngày hôm qua, mức chênh này là trên 1 triệu đồng/lượng.

Theo giới kinh doanh vàng, số vàng nhập khẩu thời gian qua của các đầu mối đã về nước, trong khi dân mua vàng ít hơn, tạo thế cân bằng trở lại cho tương quan cung-cầu, theo đó giảm bớt sức ép tăng giá cho vàng miếng. Giá vàng biến động giằng co và thất thường, với mức tăng giảm lên tới hàng triệu đồng/lượng mỗi ngày từ đầu tuần tới nay khiến người dân trở nên thận trọng hơn.

Đà giảm từ đầu tuần của giá USD tự do đã chững lại trong sáng nay. Lúc hơn 10h, một số điểm thu đổi ngoại tệ tự do tại Hà Nội báo giá USD ở mức 20.940 đồng (mua vào) và 21.000 đồng (bán ra), giá mua vào tăng 10 đồng, nhưng giá bán ra không thay đổi so với cuối giờ chiều qua.

Ngân hàng Vietcombank duy trì báo giá USD ở mức 20.830 đồng và 20.834 đồng. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữ ở 20.628 đồng.

Sau khi giảm nhẹ vào đầu giờ, giá vàng quốc tế sáng nay tăng nhẹ trở lại. Lúc 10h20, giá vàng giao ngay tại châu Á tăng 1 USD/oz so với giá đóng cửa hôm qua tại New York, lên mức 1.826,2 USD/oz. Đêm qua, tại Mỹ, giá vàng giao ngay chốt phiên hạ 10,9 USD/oz, tương đương giảm 0,6%, còn 1.825,2 USD/oz.

Sức hấp dẫn của vàng giảm bớt phiên này, sau khi thống kê cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp và tạo việc làm ở Mỹ trong tháng 8 khả quan hơn dự kiến, xoa dịu bớt những mối lo về suy thoái. Theo dữ liệu công bố hôm qua, hoạt động sản xuất công nghiệp ở khu vực Midwest của Mỹ chỉ giảm nhẹ, trong khi khu vực tư nhân vẫn tiếp tục tuyển dụng lao động, bất chấp những khó khăn kinh tế gần đây.

Các chuyên gia cho rằng, với tình hình này, giới đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn trong thời gian tới, trước khi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào ngày 20/9 này. Đây là cuộc họp được kỳ vọng sẽ thể hiện rõ lập trường của FED về việc có hay không một gói nới lỏng định lượng số 3.

Trong khi đó, thống kê của Eurozone hôm qua cho thấy, lạm phát ở khu vực này không thay đổi trong tháng 8, mà tỷ lệ thất nghiệp lại tăng, theo đó làm gia tăng những kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp tới sẽ hạ lãi suất đồng Euro. Điều này có thể khiến Euro mất giá so với USD và khiến vàng giảm giá theo.

Mặc dù vậy, vàng vẫn được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương. Theo Reuters, trong tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nga mua 4,42 tấn vàng, Ngân hàng Trung ương Columbia mua 2,3 tấn vàng để bổ sung cho dự trữ. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Columbia mua vàng kể từ tháng 3/1998.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức dưới 1,44 USD/Euro. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 tại New York lúc 10h40 giờ Việt Nam tăng 0,32 USD/thùng so với đóng cửa hôm qua, lên 89,13 USD/thùng.