Giá vàng thế giới “bốc hơi” gần 8% trong quý 3
“Thị trường vàng đang ở vùng mà chúng ta có thể chứng kiến giá phục hồi thêm nữa, nhưng điều này còn tuỳ thuộc vào diễn biến đồng USD và lãi suất”...
Giá vàng thế giới ít biến động trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (1/10) tăng gần nửa triệu đồng/lượng. Cả quý 3, giá kim loại quý này trên thị trường quốc tế giảm gần 8% dưới áp lực từ lãi suất tăng trên toàn cầu và xu hướng tăng giá “không cản nổi” của đồng USD, giá vàng trong nước cũng giảm gần 5%.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/9 tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD/oz, chốt ở 1.662,1 USD/oz. Cả tuần giá vàng tăng 1,4%, dù trong tuần có lúc giảm về vùng 1.620 USD/oz, thấp nhất 2 năm rưỡi.
“Thị trường vàng đang ở vùng mà chúng ta có thể chứng kiến giá phục hồi thêm nữa, nhưng điều này còn tuỳ thuộc vào diễn biến đồng USD và lãi suất”, chiến lược gia Daniel Pavilonis của RJO Futures nhận định với hãng tin CNBC.
Tính cả quý 3, giá vàng thế giới giảm 7,7%. Tháng 9 là tháng giảm thứ 6 liên tiếp của giá vàng, chuỗi giảm dài nhất trong 4 năm.
Giá vàng hầu như không có phản ứng với tin Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine vào Nga. Thay vào đó, giới phân tích cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ vẫn đang là những nhân tố chính chi phối giá vàng.
“Chúng ta đang ở trong một môi trường lạm phát cao, và đó là lý do khiến Fed trở nên quyết liệt đến như vậy. Những lực lượng vĩ mô này thực sự làm mất đi sức hấp dẫn của vàng với tư cách một tài sản đầu tư. Bởi vậy, nhà đầu tư không còn xem vàng là một sự phòng hộ an toàn hợp lý nữa”, chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities nói với Reuters.
Từ tháng 3 đến nay, Fed đã có 5 đợt nâng lãi suất, với tổng mức tăng 3 điểm phần trăm, dẫn đầu “cuộc đua” tăng lãi suất để chống lạm phát trên toàn cầu.
Tuần này, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc đạt gần 115 điểm, mức cao nhất trong 20 năm. Sau đó, đồng USD yếu đi và giảm 0,9% trong cả tuần.
Tuy nhiên, đồng USD đã tăng gần 6,7% trong quý 3 và tăng khoảng 16,9% từ đầu năm đến nay - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Sau một phiên mua ròng khiêm tốn vào hôm thứ Năm, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust lại bán ròng mạnh trong phiên ngày thứ Sáu. Phiên này, quỹ bán 1,5 tấn vàng, giảm nắm giữ còn 939,7 tấn vàng. Trong nửa tháng, quỹ đã bán hơn 20 tấn vàng.
Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 450.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,7 triệu đồng/lượng và 52,5 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,2 triệu đồng/lượng và 66,2 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Trong quý 3, giá vàng miếng trong nước giảm 3,2 triệu đồng/lượng, tương đương giảm 4,6%.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.730 đồng (mua vào) và 24.010 đồng (bán ra), tăng 60 đồng/USD so với sáng hôm qua. Từ đầu tuần tới nay, giá USD tại ngân hàng này đội thêm 165 đồng.
Với tỷ giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương 48,1 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn 18,1 triệu đồng/lượng.