08:23 16/09/2011

Giá vàng thế giới gặp lực cản mới

Diệp Anh

Tính tới 8h18 sáng 16/9, giá vàng giao ngay trên bảng thanh toán trực tuyến Kitco đã giảm xuống vùng 1.776,20 USD/ounce

Khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang được xoa dịu, điều này dự kiến sẽ tác động mạnh tới thị trường vàng.
Khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang được xoa dịu, điều này dự kiến sẽ tác động mạnh tới thị trường vàng.
Phiên giao dịch đêm qua (15/9) tại thị trường New York, giá vàng kỳ hạn đã giảm mạnh hơn 45 USD, xuyên thủng đáy 1.800 USD/ounce, sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết sẽ nới lỏng thêm thanh khoản đồng USD cho các nhà băng thương mại ở lục địa già.

Cụ thể, chốt ngày, vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 45,1 USD, tương ứng 2,5%, xuống còn 1.781,4 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 29/8 tới nay, giá vàng hợp đồng loại này đóng cửa dưới mốc 1.800 USD/ounce. Đây cũng là giá chốt thấp nhất kể từ ngày 25/8.

Giá vàng giao ngay giảm 2,2% xuống 1.779,39 USD/ounce, đưa vàng hướng tới tháng đầu tiên giảm giá trong năm nay, dù hiện vẫn tăng 27% so với đầu năm. Tính tới 8h18 sáng 16/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên bảng thanh toán Kitco đã lao xuống vùng 1.776,20 USD/ounce.

Hai yếu tố chính tác động mạnh tới thị trường vàng là kết quả thanh công của cuộc điện đàm giữa ba nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Hy Lạp hôm 14/9 và động thái hợp tác giữa ECB cùng một loạt ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới nhằm cung cấp thêm thanh khoản USD cho nhóm nhà băng thương mại.

Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng Rockwell Global Capital ở New York, cho biết, "điểm mấu chốt là Liên minh Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các quốc gia công nghiệp đang cố gắng thuyết phục thị trường rằng đồng Euro vẫn tồn tại, khu vực đồng Euro không tan rã và Hy Lạp có thể tránh được cảnh vỡ nợ".

Tối 14/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã thỏa thuận cùng nhau rằng, Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu, bất chấp tình trạng cuộc khủng hoảng nợ công ở quốc gia này đang ngày một gay cấn hơn.

Trong cuộc hội đàm trên điện thoại, các quan chức trên cho biết, họ ủng hộ quyết định đạt được tại một hội nghị các lãnh đạo châu Âu hồi tháng 7, theo đó sẽ cố gắng giải cứu Hy Lạp ra khỏi nguy cơ vỡ nợ công, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Hy Lạp cho biết.

Về phía Hy Lạp, Thủ tướng Papandreou cũng khẳng định nước này quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết với Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách để hạ nhiệt mức nợ công đang ngày một phình to.

Cùng ngày, với tỷ lệ 314 phiếu ủng hộ và 300 phiếu chống, Hạ viện Italy đã chính thức thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng trọn gói của chính phủ với tổng giá trị 54,2 tỷ Euro (khoảng 74 tỷ USD). Kế hoạch này trước đó cũng đã được Thượng viện thông qua vào ngày 7/9.

Đây là kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" trọn gói thứ hai của Chính phủ Italy được Quốc hội nước này thông qua trong vòng ba tháng qua nhằm trấn an các thị trường trong bối cảnh đang xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Việc Hạ viện Italy thông qua kế hoạch là đúng như dự kiến sau khi Chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi trước đó cùng ngày đã vượt qua dễ dàng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện liên quan đến kế hoạch này với tỷ lệ phiếu ủng hộ 316/302.

Chính phủ của ông Berlusconi hiện đang hy vọng kế hoạch nói trên, cùng với kế hoạch cắt giảm chi tiêu gần 48 tỷ Euro được thông qua hồi tháng 7, sẽ giúp nước này cân bằng thâm hụt ngân sách vào năm 2013.

Thêm vào đó, mặc dù Rome đã phủ nhận việc họ đang kêu gọi sự giúp đỡ từ Bắc Kinh trong việc mua trái phiếu chính phủ nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng, song giới đầu cơ quốc tế vẫn tin rằng khả năng này có thể sẽ xảy ra khi phát biểu hôm 14/9 tại Đại Liên, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng nhắc tới việc trợ giúp châu Âu.

Những cam kết đạt được giữa ba quan chức lãnh đạo Đức, Pháp, Hy Lạp trong cuộc điện đàm cùng quyết tâm của Italy đã thúc đẩy niềm tin của giới đầu cơ cổ phiếu quốc tế. Tuy nhiên, bầu không khí trên các thị trường thực sự lạc quan, chỉ sau khi ECB, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngân hàng trung ương các nước Anh, Nhật và Thụy Sỹ bắt tay nhau hôm 15/9.

Các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới sẽ hợp tác để cung cấp các khoản vay USD kỳ hạn 3 tháng đối với các ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nhằm ngăn chặn sự đóng băng của thị trường tiền tệ xuất phát từ cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Theo đó, ECB, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) tuyên bố sẽ tiến hành đấu giá bằng đồng USD nhằm cung cấp thanh khoản cho đến cuối năm. Các ngân hàng trung ương trên cho biết sẽ phối hợp lẫn nhau và với FED.

Cụ thể, ECB cho biết sẽ duy trì hoạt động lãi suất cố định từ tháng 10 - 12, nhằm đáp ứng tối đa lượng USD cần thiết cho các ngân hàng, xoa dịu tình trạng căng thẳng nguồn vốn. Hàng tuần ECB đều cung cấp các khoản vay kỳ hạn 7 ngày bằng USD. FED sẽ duy trì các hạn mức hoán đổi USD với ECB và các ngân hàng trung ương khác để đảm bảo đủ USD khi cần thiết.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy các ngân hàng châu Âu, đặc biệt là tại Pháp, đang vật lộn để có được nguồn vốn bằng đồng USD trên thị trường liên ngân hàng do mối lo lắng về sự liên đới của các ngân hàng này với nợ của Hy Lạp.

Cũng trong ngày 15/9, Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận cả gói siết chặt các quy định ngân sách, được xem là yếu tố hết sức quan trọng để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai.

Trong một thông báo đưa ra ngày 15/9, Ba Lan, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết sau các cuộc thảo luận hiệu quả, EP, Ủy ban Châu Âu (EC) và chính phủ các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận cả gói, tên là "gói sáu điểm". Thỏa thuận này sẽ được đưa ra thông qua tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU, dự kiến diễn ra vào ngày 16/9 tới.

Theo thỏa thuận trên, những nước thành viên EU bị thâm hụt ngân sách quá mức sẽ phải ký gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng bị khóa, đồng thời sẽ phải hứng chịu thêm một số biện pháp trừng phạt. EC cũng đề nghị xem xét lại toàn bộ Công ước Ổn định và Phát triển của EU sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp hồi năm ngoái.

Công ước này quy định thâm hụt ngân sách của các nước thành viên EU không được vượt quá mức 3,0% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ không được vượt quá 60% GDP. Tuy nhiên, trong số 27 nước thành viên EU chỉ có một số nước tuân thủ các quy định này

Một động thái khác cũng tác động tới thị trường vàng là việc thị trường tài chính châu Âu vài tuần gần đây xuất hiện hiện tượng các ngân hàng đổ xô cho vay vàng để đổi lấy USD. Theo Thomson Reuters, làn sóng giao dịch vàng đổi lấy USD này khiến lãi suất cho vay bằng vàng rơi xuống mức thấp kỷ lục, 0,48% một năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay.

Các ngân hàng có được số vàng để đem ra cho vay này là nhờ nhận ký gửi vàng từ các khách hàng bao gồm nhà đầu tư, ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại khác. Động thái bất thường này của các ngân hàng châu Âu cho thấy nhu cầu lớn về nguồn vốn USD trên thị trường.

Tuy nhiên, liệu có quá sớm khi cho rằng vàng sẽ mất sức hấp dẫn, khi mà mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cho rằng, kinh tế toàn cầu đã bước sang một giai đoạn nguy hiểm mới?

Theo ông Zoellick, khu vực đồng Euro không thống nhất về chính sách tiền tệ trong khi vẫn cho phép các nước thành viên tự do chi tiêu và thu thuế, nên đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Mỹ thì vô trách nhiệm khi chậm xử lý các vấn đề như tăng trưởng không bền vững trong chi tiêu, sự cần thiết của hệ thống thuế kích thích tăng trưởng và chính sách thương mại bế tắc.

Về phía Nhật Bản, Chủ tịch WB cho rằng, quốc gia này đã "không cải cách cơ cấu kinh tế và xã hội để có thể thay đổi mô hình kinh tế đang ì ạch". Còn Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn non nớt và cần là "một đối tác thương mại có trách nhiệm" với "hệ thống tỉ giá hối đoái có trách nhiệm" cũng như "đầu tư và chính sách môi trường có trách nhiệm".