Giá vàng thế giới “hạ nhiệt”, trong nước tụt gần 1 triệu đồng/lượng
Giá USD tự do tăng khá mạnh, trong khi giá USD ngân hàng vẫn giữ ổn định
Giá vàng thế giới quay đầu đi xuống khi giới đầu tư bớt lo về căng thẳng Mỹ-Iran, khiến giá vàng miếng trong nước sáng nay (7/1) tuột khỏi mốc 44 triệu đồng/lượng. Giá USD tự do tăng khá mạnh, trong khi giá USD ngân hàng vẫn giữ ổn định.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 43,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 43,5 triệu đồng/lượng và 43,95 triệu đồng/lượng.
So với mức đỉnh của 7 năm ở 44,7 triệu đồng/lượng thiết lập vào trưa hôm qua, giá vàng miếng hiện giảm gần 1 triệu đồng/lượng. Sáng qua, giá vàng miếng nhảy trên 1 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 đêm, đạt mức cao nhất kể từ đầu 2013.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 cũng giảm mạnh sáng nay, nhưng vẫn giữ được mốc 44 triệu đồng/lượng ở một số nơi.
Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 43,58 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,08 triệu đồng/lượng (bán ra). Nhẫn tròn Phú Quý của Phú Quý có giá tương ứng lần lượt là 43,4 triệu đồng/lượng và 43,95 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 250.000-350.000 đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.560,4 USD/oz, giảm 5,8 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại New York. Mức giá này tương đương 43,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Trong phiên đêm qua tại Mỹ, giá vàng chốt với mức tăng 12,9 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,8%, đạt 1.566,2 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng đạt 1.577,3 USD/oz, cao nhất 7 năm.
Giá vàng thế giới trượt khỏi đỉnh khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran tạm thời chưa có bước leo thang mới. Trước đó, giá vàng đã tăng bùng nổ trong phiên ngày thứ Sáu tại New York và sáng thứ Hai tại châu Á khi giới đầu tư gom mạnh tài sản an toàn vì lo xảy ra một cuộc xung đột trên diện rộng ở Trung Đông.
Trong phiên ngày thứ Hai tại Mỹ, thị trường chứng khoán đã tăng điểm trở lại - một dấu hiệu cho thấy sự hồi phục trong tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư. Sáng thứ Ba, các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Á cũng tăng mạnh, đảo ngược phiên bán tháo hôm qua.
Ngoài ra, giá vàng cũng chịu áp lực giảm từ thông tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nói rằng phái đoàn quan chức cấp cao của Trung Quốc sẽ sang Mỹ vào ngày 13/1 để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, ngân hàng Goldman Sachs trong một báo cáo ngày 6/1 cho biết vẫn duy trì dự báo giá vàng trong 3-6-12 tháng tới ở mức 1.600 USD/oz. Các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng vàng là một "hầm trú ẩn" tốt hơn so với dầu thô trong những giai đoạn có sự bấp bênh lớn về địa chính trị như hiện nay.
Phiên đầu tuần, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng gần 1 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên hơn 896 tấn. Mua ròng là xu hướng gần đây của quỹ này.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.175 đồng (mua vào) và 23.200 đồng (bán ra), tăng 15 đồng so với sáng qua. Tại Ngân hàng Vietcombank, giá USD niêm yết đi ngang ở mức 23.110 đồng và 23.230 đồng, tương ứng giá mua và bán.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác dao động quanh ngưỡng 96,63 điểm trong phiên sáng thứ Ba tại châu Á, giảm từ mức 96,85 điểm vào sáng qua và mức 97,1 điểm của tuần trước.