Giá vàng thế giới tăng liền 3 phiên, trong nước nhảy qua mốc 67 triệu đồng/lượng
Điều mà thị trường chờ đợi hơn cả là liệu Fed sẽ nói gì về xu hướng lạm phát và mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ thắt chặt này...
Giá vàng thế giới duy trì đà tăng trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước, kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (9/12) nhảy qua mốc 67 triệu đồng/lượng. Giá USD niêm yết tại một số ngân hàng thương mại tiếp tục sụt giảm, tuộ sâut khỏi mốc 24.000 đồng/USD.
Lúc hơn 11h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,3 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng tương ứng 250.000 đồng/lượng và 350.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53 triệu đồng/lượng và 53,9 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,4 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 15,9 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 11h trưa nay đứng ở 1.796,9 USD/oz, tăng 6,4 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Năm tại thị trường Mỹ. Trong phiên đêm qua ở New York, giá vàng giao ngay tăng 3 USD/oz, tương đương tăng gần 0,2%, chốt ở 1.790,5 USD/oz.
Mức giá hiện tại của vàng thế giới tương đương 51,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 400.000 đồng/lượng, do tỷ giá USD/VND giảm mạnh.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.470 đồng (mua vào) và 23.750 đồng (bán ra), giảm 310 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua. Trong 3 ngày trở lại đây, giá USD tại Vietcombank đã giảm 450 đồng, phản ánh xu hướng giảm mạnh gần đây của tỷ giá đồng USD trên thị trường quốc tế.
Giá vàng thế giới đã tăng 3 phiên liên tiếp nhờ đồng USD suy yếu trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ cuối cùng trong năm 2022 của Fed. Cuộc họp này sẽ diễn ra trong hai ngày 23-14/12. Thị trường đang kỳ vọng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này, với mức độ đặt cược vào bước nhảy lãi suất này lên thị trường lãi suất tương lai đang là 93% - theo dữ liệu từ sàn CME.
Tuy nhiên, điều mà thị trường chờ đợi hơn cả là liệu Fed sẽ nói gì về xu hướng lạm phát và mức đỉnh của lãi suất trong chu kỳ thắt chặt này.
Báo cáo ngày 8/12 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng nhẹ, trong đó số người tiếp tục xin trợ cấp tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1. Dữ liệu này phản ánh một thị trường lao động đang yếu đi - đúng với kịch bản đã được tính đến là thị trường lao động cần suy yếu để Fed có thể khống chế lạm phát một cách thành công.
Ngoài ra, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố trong tuần tới cũng sẽ phản ánh rõ nét hơn về đường đi của lạm phát. Báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (9/12).
Chỉ số Dollar Index sáng nay dao động quanh mốc 104,5 điểm, giảm từ mức 105,3 điểm vào sáng hôm qua. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ số này đã giảm gần 1,7%. Mức giảm của 3 tháng trở lại đây là hơn 4,1% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Giá vàng đang được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc tiến tới mở cửa trở lại, sau khi Bắc Kinh vào tuần này công bố mạnh tay nới lỏng nhiều biện pháp chống Covid-19. Trung Quốc là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, nên việc nước này mở cửa trở lại hứa hẹn sự khởi sắc của nhu cầu vàng vật chất.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng về triển vọng giá vàng, vì Fed còn tiếp tục tăng lãi suất và có khả năng sẽ giữ lãi suất ở mức cực đại trong một thời gian cho tới khi lạm phát thực sự được khống chế.