12:55 17/07/2021

Giá vàng tuần tới: Bán tháo về 1.600 USD/oz hay tranh mua lên 1.920 USD/oz?

Điệp Vũ

Giá vàng thế giới tuần này trụ vững ngưỡng 1.800 USD/oz, nhưng giới phân tích nói rằng tuần tới có một nhân tố quan trọng hoặc có thể đưa giá vàng leo lên vùng 1.920 USD, hoặc có thể dẫn tới một đợt bán tháo mới khiến giá vàng sụt về 1.600 USD/oz...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Và nhân tố đó là đồng USD – nhà môi giới hàng hoá cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures nói với trang Kitco News.

HAI KHẢ NĂNG TỪ TỶ GIÁ ĐỒNG USD

Tuần này, giá vàng có lúc tăng lên gần 1.830 USD/oz cho dù đồng USD tiếp tục mạnh lên, qua đó thể hiện khả năng “cố thủ” trên mốc tâm lý quan trọng 1.800 USD/oz. Dù vậy, theo ông Pavilonis, diễn biến của tỷ giá USD trong tuần tới có thể quyết định đường đi của giá vàng trong mùa hè năm nay.

Nếu bạc xanh giảm giá, vàng sẽ nhận được một cú huých quan trọng và nối lại xu hướng tăng lên ngưỡng 1.920 USD/oz. Ngược lại, nếu USD tăng giá thêm, không thể loại trừ khả năng giá vàng sụt về 1.600 USD/oz.

“Giá vàng đang bị kẹt dưới đường xu hướng dài hạn do sức ép từ chỉ số Dollar Index tăng. Đồng USD tuần tới có thể tăng bứt phá, hoặc cũng có thể giảm. Nếu USD giảm, đó là tin tốt cho vàng và có thể đưa giá vàng vào một cuộc tăng lên 1.920 USD/oz. Nhưng nếu USD tăng, bán tháo vàng sẽ xảy ra và giá vàng có thể giảm về 1.600 USD/oz”, ông Pavilonis phát biểu.

Ngoài ra, giá vàng cũng đang rất nhạy cảm với thị trường trái phiếu. Lợi suất trái phiếu có thể biến động trong tuần tới tuỳ theo tình hình lạm phát.

“Giá vàng sẽ phải đóng cửa trên mức 1.840 USD/oz để khẳng định xu hướng tăng. Nếu các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ tiếp tục mạnh, lợi suất sẽ tăng, gây áp lực giảm lên thị trường kim loại quý trong đó có vàng”, ông Pavilonis nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn nghiêng về khả năng vàng tăng giá, nhận định giá vàng sẽ duy trì xu thế tăng cho tới cuối tháng 7. “Nếu đóng cửa được trên ngưỡng 1.840 USD/oz, giá vàng sẽ dễ dàng tăng lên 1.920 USD/oz”, ông nói.

Trong phiên ngày thứ Sáu, do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, cộng thêm hoạt động chốt lời của một số nhà đầu tư, giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX đã giảm 0,8%.

Cả tuần, giá vàng tăng 0,2% dù Dollar Index tăng 0,6%.

NHÂN TỐ LẠM PHÁT, GIÁ DẦU, THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Chuyên gia kim loại quý Everett Millman thuộc Gainesville Coins thì cho rằng giá vàng đang gặp kháng cự mạnh ở mốc 1.830 USD/oz. “Ngưỡng bình quân 200 ngày của giá vàng hiện vào khoảng 1.830 USD/oz. Đây có vẻ là một ngưỡng kháng cự mạnh của vàng vào lúc này”, ông Millman nói.

Ông Millman cũng cho rằng đang có những yếu tố tác động trái chiều lên giá vàng. “Có những yếu tố đang tác động một cách khá cân bằng lên giá vàng theo hai hướng khác nhau. Lạm phát tăng có lợi cho vàng, nhưng cũng có thể khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới siết chính sách tiền tệ một chút. Hay yếu tố này khiến giá vàng giằng co”, ông giải thích.

Ngoài tỷ giá đồng USD, ông Millman cho rằng giá vàng tuần tới còn chịu ảnh hưởng từ diễn biến giá dầu. “Giá dầu tăng sẽ đồng nghĩa với lạm phát tăng, và điều đó có lợi cho vàng”, ông nói.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã giảm khoảng 4%. Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh gần đây và trong môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi hiện nay, giá vàng có thể đã sẵn sàng nối lại xu hướng tăng – theo chiến lược gia cấp cao về hàng hoá cơ bản Mike McGlone của Bloomberg Intelligence.

Trong một báo cáo ra ngày 16/7, ông McGlone cho rằng tỷ lệ nợ công so với GDP ngày càng tăng của Mỹ và chính sách nới lỏng định lượng (QE) tiếp diễn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ là những nhân tố đưa giá vàng trở lại mốc 2.000 USD/oz.

“Giá vàng đã giảm khoảng 4% trong năm nay và giảm khoảng 20% từ mức cao nhất mọi thời đại. Có thể xem giá vàng đã chín muồi để nối lại xu hướng tăng. Một chất xúc tác tiềm năng cho giá vàng trở lại ngưỡng 2.000 USD/oz là thị trường chứng khoán giảm điểm một chút, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm”, ông McGlone nhận định.

“Chúng tôi cho rằng giá vàng nhiều khả năng tiến về mốc 2.000 USD trong nửa cuối của năm nay, hơn là bị ghìm dưới ngưỡng hỗ trợ 1.700 USD/oz. Cũng giống như trái phiếu, vàng có thể được dùng làm một tài sản phòng hộ trước mức độ biến động ngày càng tăng của thị trường chứng khoán”.

Tuần tới sẽ không có nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố, nhưng có một số thống kê quan trọng gồm số nhà mới khởi công trong tháng 6 công bố vào ngày thứ Ba, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần và doanh số bán nhà đã qua sử dụng công bố vào ngày thứ Năm, và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) công bố vào ngày thứ Sáu.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng sẽ hướng sự chú ý tới cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm. Theo các chuyên gia của ING, cuộc họp này sẽ làm sáng tỏ về việc liệu ECB sẽ dịch chuyển khỏi các chính sách hỗ trợ thời Covid, hay trở nên mềm mỏng hơn nữa nhằm đạt mục tiêu lạm phát – điều mà ECB đã không thể đạt được suốt 1 thập kỷ qua.

Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 28/7 và từ nay tới thời điểm đó, các quan chức Fed sẽ không có phát biểu quan trọng nào. “Chúng ta đang bước vào một ‘giai đoạn im ắng’ của Fed, khi các quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương này tránh nói về triển vọng chính sách tiền tệ”, báo cáo của ING nhận định.