10:09 24/06/2015

Giá xăng dầu đẩy CPI tăng cao nhất từ đầu năm

Thái Hà

Tổng cục Thống kê vừa công bố CPI tháng 6 đã tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước

Mức tăng CPI 6 tháng của 12 năm qua.
Mức tăng CPI 6 tháng của 12 năm qua.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng CPI tháng 6 cao nhất trong các tháng xét từ đầu năm đến nay.

Như vậy, sau nửa đầu năm 2015, CPI cả nước đã tăng 0,55% bằng 1/10 mục tiêu kế hoạch cả năm đã được Quốc hội thông qua từ đầu năm và cũng là mức tăng thấp nhất trong 14 năm qua.

Diễn biến mới nhất này cũng có thể thấy dường như quy luật 2 thấp 1 cao của CPI 6 tháng đầu năm được xác lập trong 10 năm trở lại đây đang dần được thay thế bởi chu kỳ giống như đầu những năm 2000, nghĩa là CPI đang trong xu hướng giảm dần so với năm trước, ổn định để chuẩn bị cho một chu kỳ tăng mạnh ở những năm sau.

Không quá khác biệt so với diễn biến của các tháng gần đây, CPI của tháng 6 chịu ảnh hưởng nhiều của các mặt hàng do nhà nước quản lý cụ thể là mặt hàng xăng dầu.

Giá xăng dầu các loại được điều chỉnh tăng giá khá mạnh (1.200 đồng/lít xăng và 640 đồng/ lít dầu diezel) trong thời gian qua đã khiến giá vé các loại hình vận tải như tầu hỏa, xe khách, xe buýt công cộng và taxi tăng theo.

Điều này khiến chỉ số giá nhóm giao thông tăng ở mức 3,54% so với tháng trước đóng góp 0,3% vào mức tăng của CPI chung.

Một tác động tăng giá từ quyết định hành chính khác là nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Theo lộ trình điều chỉnh các dịch vụ y tế theo thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC của thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2015, thành phố tiếp tục điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế khiến chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế cả nước tăng 0,43% qua đó khiến chỉ số cả nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38% so với tháng trước, đóng góp 0,02% vào mức tăng CPI chung.

Ngoài các tác động mang tính hành chính trên, CPI tháng 6 còn chịu những tác động mang tính mùa vụ lên các mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện trong cả nước tăng cao đột biến.

Điều này, theo cách tính giá điện trong CPI của Tổng cục Thống kê, đã thành nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng đáng kể. Tuy nhiên, nhờ những tác động giảm giá từ các mặt hàng như dầu hỏa, gas bán lẻ nên đã giữ được chỉ số giá của nhóm này chỉ tăng ở mức 0,3% so với tháng trước.

Ngoài ra, không giống như những năm trước khi sức mua của người dân còn cao, năm nay tuy đã vào mùa du lịch nhưng nhu cầu vui chơi giải trí, đi du lịch của người dân không cao khiến chỉ số giá nhóm văn hóa, thể thao, giải trí chỉ tăng nhẹ 0,26% so với tháng trước.

Ngoài những tác động tăng giá trên, CPI tháng 6 còn chịu một số tác động giảm giá, lớn nhất từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Trong tháng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm 0,03% so với tháng trước trong đó lương thực giảm 0,62% trong khi thực phẩm tăng 0,1% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11% so với tháng trước.

Nguồn cung lương thực đảm bảo trong khi nhu cầu không tăng đột biến khiến giá các mặt hàng lương thực tiếp tục giảm giá so với tháng trước. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nguồn cung một số mặt hàng như rau tươi giảm cho thời tiết nắng nóng khiến giá các mặt hàng này tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng giải khát tăng lên khiến chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm quay đầu tăng nhẹ sau khi đã giảm giá liên tục trong hai tháng trước.

Ở một diễn biến tương tự, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục đóng vai trò bình ổn giá khi tiếp tục giảm 0,03% so với tháng trước.

Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận ở các mức giảm 0,08% và tăng 0,62% so với tháng trước.