09:09 13/06/2008

“Giá xăng dầu tăng gây khó khăn lớn”

Tổng giám đốc Vietnam Airlines nói về những khó khăn mà hãng phải đối mặt trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines.
Trong những ngày qua, báo chí nhiều nước đồng loạt đưa tin về tình trạng giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều hãng hàng không thua lỗ, phải cắt giảm đường bay, tần suất bay…

Trên thực tế, các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines và Jestar Pacific cũng gặp khó khăn không nhỏ. Báo giới đã phỏng vấn ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines về vấn đề này.

Giá xăng dầu, nhất là nhiên liệu bay tăng cao đang làm chao đảo nhiều hãng hàng không thế giới. Các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines đang chịu những tác động như thế nào, thưa ông?

Giá xăng dầu tăng là một bất lợi lớn với tất cả các hãng hàng không do tỷ trọng chi phí xăng dầu trên tổng chi phí của một hãng hàng không ngày càng lớn. Như đối với các hãng hàng không giá rẻ, chi phí xăng dầu lên tới trên 60%.

Còn với các hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines, nó cũng đã xấp xỉ 50%. Khả năng điều hành để tiết kiệm chi phí ngày càng hẹp lại. Các chi phí về xăng dầu, lao động với các hãng hàng không là gần như không kiểm soát được mà tỷ trọng trong tổng chi phí nó lớn lắm. Còn thị phần, máy bay... những loại chi phí có thể kiểm soát được chỉ xấp xỉ 10%.

Các chi phí về bay qua lại vùng trời, đỗ đáp… nằm ngoài tầm kiểm soát của người lãnh đạo. Giá xăng dầu tăng, các chi phí tăng nó còn tạo nên bài toán khó nữa là chi phí cho đi lại của người ta sẽ giảm và các hãng hàng không phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn do năng lực, tải trọng các đội máy bay dư thừa.

Trong bối cảnh đó, tồn tại thế nào thì tại cuộc họp vừa rồi của Hiệp hội Vận tải hàng không Thế giới có đánh giá là tình hình còn diễn biến xấu và phải chờ đến tháng 10 và tháng 11 năm nay mới có thể biết được tình hình có khả quan hơn hay không. Báo chí nước ngoài vừa qua còn đưa tin là hàng loạt hãng đổ vỡ, quá trình sáp nhập, giải thể diễn ra nhanh hơn.

Khuyến cáo chung hiện nay là những hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines hạn chế cung tải (số chuyến bay, tần suất bay...) ra thị trường, vì nếu không nó sẽ đẩy các hãng vào vòng xoáy cạnh tranh, còn chết nhanh hơn.

Với Vietnam Airlines, cũng có những khó khăn nữa như theo yêu cầu của Chính phủ, là phải đảm bảo giao thông đi lại, đồng thời kiềm chế việc tăng giá. Kinh doanh hàng không trên tổng mạng trong nước thực tế là lỗ rất nặng.

Dù có các giải pháp như giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu bay về mức bằng 0%... nhưng mức lỗ trong kinh doanh đường bay nội địa một tháng, số lỗ cũng phải tính đến con số hàng triệu USD.

Trong bối cảnh ấy, Vietnam Airlines có những hành động cụ thể gì để tiết giảm chi phí mà vẫn đảm bảo năng lực cạnh tranh?

Chúng tôi đã triển khai một loạt giải pháp nhằm giảm chi phí trên quy mô rộng như chi phí thường xuyên cắt giảm tới 10 – 15%. Các công trình, dự án đầu tư cũng rà soát lại để đình hoãn, dãn tiến độ những cái nào chưa thực sự cần thiết… cũng lên tới khoảng 20% (khoảng 550 tỉ đồng) trong tổng vốn đầu tư trong năm.

Chúng tôi cũng quyết liệt cơ cấu lại bộ máy, sắp xếp đường bay nhằm kiểm soát cung tải theo chiều hướng tăng hiệu suất sử dụng ghế từ 78 – 80% trước đây lên trung bình 85%.

Với tất cả các biện pháp đấy, chúng tôi tính tiết kiệm được khoảng 600 - 700 tỉ đồng. Cộng với các giải pháp về tăng doanh thu, có thể tiết kiệm được từ 1.200 - 1.400 tỉ đồng. Nhưng chi phí tăng thêm về xăng dầu, nó vượt con số chi theo kế hoạch lên đến hơn 3.000 tỉ. Chúng tôi cũng đã thực hiện thành công bán vé điện tử trên toàn mạng, chỉ còn một số rất ít điểm trong nước bán vé thông thường do hạn chế về cơ sở hạ tầng chưa triển khai được.

Nhưng dù có giảm chi phí, tăng doanh thu thế nào vẫn còn một con số khá lớn phải cân đối. Nhưng dù thế nào, tôi cũng khẳng định là Vietnam Airlines vẫn đủ tiềm lực về nhân sự, tài chính, đội bay để duy trì hoạt động bình thường. Chúng tôi sẽ rất thận trọng trong việc cắt giảm quy mô sản xuất, không làm như các hãng khác là khi giá xăng dầu tăng thì ồ ạt cắt các đường bay trong nước.

Chúng tôi khẳng định là chưa cắt bất cứ đường bay nào, chưa có ý định giảm quy mô... để thực hiện yêu cầu của Chính phủ.

Vietnam Airlines cũng phải đối mặt với một khó khăn khác là những biện pháp khuếch trương hoạt động như giảm giá vé của hãng Jestar Pacific hay sự ra đời cả các hãng mới như công ty cổ phần bay Tăng Tốc. Phản ứng chiến lược về cạnh tranh của Vietnam Airlines là gì?

Một đất nước với dân số 85 triệu và chiều dài đường bay tới 2.000 km thì việc có nhiều hãng hàng không là tất yếu. Nói thẳng là chúng tôi chào đón sự ra đời của các hãng đó như một diễn biến bình thường trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng không. Tất nhiên là sự ra đời các hãng mới cũng gây ra sức ép cạnh tranh rất lớn trên thị trường nội địa, nhất là khi các hãng còn bị kiểm soát bởi doanh thu đầu vào, bởi giá vé trần.

Nhưng chúng tôi vẫn trung thành với truyền thống kinh doanh của mình là hãng hàng không với dịch vụ đầy đủ với mạng đường bay rộng, có liên minh quốc tế, chiến lược lớn để đảm bảo chất lượng cao nhất. Nếu Vietnam Airlines cũng trở thành hãng hàng không giá rẻ thì điều đó rất nguy hại.

Chúng tôi vẫn sẽ bám sát nhu cầu khách hàng, các biện pháp cạnh tranh của đối thủ để đưa ra các giải pháp linh hoạt nhất mà không xa rời truyền thống là hãng hàng không đầy đủ, có cộng đồng khách hàng riêng của mình.

Hiện nay, các hãng hàng không khác cho rằng Nhà nước cần nâng mức giá vé trần. Phía Vietnam Airlines có đề nghị gì không?

Theo tôi thì cũng đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền xem xét cho các hãng hàng không trong nước thực hiện một giá vé thực tế trong bối cảnh giá xăng dầu nó đã khác xa cách đây một năm. Trước đây, khi chúng tôi trình phương án giá vé hai triệu đồng mà Bộ Tài chính chỉ chấp nhận 1,7 triệu đồng. Khi đó, mặt bằng giá xăng dầu chúng tôi tính là 65 USD/thùng, khoảng 84 USD/thùng dầu máy bay.

Hiện nay, giá dầu thô tính trung bình là 135 USD/thùng, còn giá nhiên liệu bay khoảng 168 USD/thùng. Cơn sốt nhiên liệu này còn cần phải có thời gian theo dõi, đánh giá, nhưng khi xu hướng giá nó đã được xác định ở một biên độ nào đó thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, trình duyệt phương án giá vé mới với đường bay trong nước.

Việc điều chỉnh giá trong tương lai chắc khó tránh được nhưng cũng phải có thời gian để định lượng được xu hướng giá xăng dầu, nhất là nhiên liệu bay.