15:14 14/08/2008

“Giá xăng giảm ít còn vì để bù lỗ”

Từ Nguyên

Việc giảm giá xăng ở mức thấp một phần là để cho các doanh nghiệp xăng dầu tự bù khoản lỗ trong 7 tháng đầu năm

"Nếu trong thời gian tới giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu thì giá trong nước cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm tương ứng."
"Nếu trong thời gian tới giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu thì giá trong nước cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm tương ứng."
Việc giảm giá xăng ở mức thấp một phần là để cho các doanh nghiệp xăng dầu tự bù khoản lỗ trong 7 tháng đầu năm.

Đó là giải thích của ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương tại cuộc họp báo về điều hành giá xăng dầu, sáng nay (14/8).

Bài toán có nhiều biến số

Thưa Thứ trưởng, giá dầu thế giới đã giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng tại sao mức giảm chỉ có 1.000 đồng/lít?

Việc quyết định chỉ giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng A 92 và dầu hỏa đã được chúng tôi tính toán rất kỹ và do Thủ tướng quyết định bởi những lý do sau.

Thứ nhất, mặc dù hiện nay giá dầu thô thế giới đang có xu hướng giảm nhưng giá các sản phẩm xăng, dầu lại không giảm tương ứng với tỷ lệ giảm của giá dầu thô, đặc biệt là giá dầu mazut có tỷ lệ giảm thấp nhất là 7%.

Thứ hai, cũng do nguyên nhân là giá dầu thế giới đã giảm nên hiện nay, với giá bán 18.000 đồng/lít đối với xăng A92 và 19.000 đồng/lít đối với dầu hỏa thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có lãi. Do đó, việc quyết định giảm 1.000 đồng/lít cho hai loại xăng dầu trên là để nhằm mục đích một phần là để Nhà nước không phải bù lỗ, đồng thời để doanh nghiệp có thể bù lại khoản lỗ trong 7 tháng qua.

Nhưng quan trọng nhất, bài toán giá xăng dầu trong nước là một bài toán có nhiều biến số khác nhau, chứ không chỉ căn cứ vào giá dầu thô của thế giới để điều hành là được. Theo chỉ đạo của Chính phủ, điều hành kinh tế trong thời gian tới vẫn phải tập trung vào ba mục tiêu là kiềm chế lạm phát, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng và an sinh xã hội.

Đồng thời, trong mọi hoàn cảnh thì chúng ta vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng, tức là phải đặt vấn đề về số lượng, chủng loại, cung cấp liên tục lên trước, rồi cuối cùng mới đến vấn đề giá cả.

Hơn nữa, giữa sản phẩm của thế giới và sản phẩm trong nước bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định về giá. Nhưng sản phẩm bán ra hôm nay không phải vừa mới nhập về hôm qua mà có khi cả mấy tháng trước, với một mức giá cao hơn nhiều.
 
Sẽ giảm tiếp nếu giá thế giới giảm

Tại sao đợt này chỉ có hai loại sản phẩm là xăng A92 và dầu hỏa được giảm giá. Còn những sản phẩm khác thì sao, thưa ông?

Các sản phẩm khác như dầu mazut, dầu diezel… chưa đưa vào đợt giảm giá lần này là bởi giá thế giới của những sản phẩm này vẫn có những biến động nhất định, đặc biệt là dầu mazut.

Trong thời gian tới, liên bộ sẽ tiếp tục theo dõi và có hướng điều hành giá thích hợp, đảm bảo tiếp cận giá thị trường như chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu điều kiện thị trường cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, trước hết là đối với sản phẩm dầu diezel.

Còn nói chung, nếu trong thời gian tới giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu thì giá trong nước cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm tương ứng.

Sẽ bỏ bù lỗ xăng dầu

Vậy, với mức giảm thấp như vậy có nghĩa là trong thời gian tới, Nhà nước sẽ không phải bù lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu, thưa ông?

Việc bù lỗ cho các sản phẩm xăng dầu đã được chúng tôi phân thành các nhóm sản phẩm khác nhau.

Đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa và mazut, về nguyên tắc, Nhà nước sẽ thực hiện chính sách không bù lỗ. Tuy nhiên, đối với số lỗ của 7 tháng đầu năm nay của mặt hàng xăng và mazut, liên bộ sẽ tiếp tục điều hành cơ chế giá từ nay đến cuối năm 2008 để đảm bảo nguồn bù đắp.

Đối với mặt hàng diezel thì Nhà nước vẫn tiếp tục bù lỗ (khoảng 70%), còn lại doanh nghiệp và người tiêu dùng chia sẻ khoảng 30%. Ngoài ra, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu hiện hành là 0%.

Hiện nay, giá xăng ở nhiều nước khác như Thái Lan, Mỹ… cũng tương đương với giá ở Việt Nam, nhưng thuế nhập khẩu xăng dầu của họ là 25%, trong khi chúng ta là 0%. Vậy, có phải là doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam đang có lãi lớn, thưa ông?

Giá mà Chính phủ đưa ra là giá điều hành. Mức giá này dựa trên mức trung bình của rất nhiều yếu tố, như: giá trong nước, thế giới trung bình của từng giai đoạn, chi phí trung bình của doanh nghiệp…

Vì vậy, việc doanh nghiệp lãi bao nhiêu là tùy tính toán, chi phí từng doanh nghiệp, Nhà nước chỉ căn cứ vào đấy để điều hành.

Ngay cả chi phí vận chuyển xăng dầu ở Thái Lan, ở Mỹ cũng khác ở Việt Nam… Vì vậy, giá cả của các nước cũng chỉ là giá để tham khảo chứ không thể có sự so sánh tuyệt đối, không có quan hệ tuyến tính giữa giữa các yếu tố, giữa giá dầu thô với giá các sản phẩm xăng dầu.

Tiếp tục nghiên cứu quỹ bình ổn

Vậy, trong tới gian tới, nếu không bù lỗ giá xăng thì quỹ bình ổn xăng dầu có tiếp tục triển khai không, thưa ông?

Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn được bộ chúng tôi tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là phải có nguồn để hình thành quỹ.

Thế nhưng, hiện nay về phía Nhà nước thì vẫn đang phải tập trung vốn cho bù giá, nếu rót thêm tiền vào quỹ thì sẽ quá sức. Còn doanh nghiệp thì lại càng khó khăn, vì khả năng vốn của hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu là rất yếu.

Còn người tiêu dùng thì cũng vậy, việc vận động người tiêu dùng trả thêm giá xăng để lập quỹ là rất khó. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm bài toán về nguồn cho việc thành lập quỹ, nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong những thời điểm khó khăn về giá.