Giá xăng giữ nguyên, giá dầu giảm
Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định giữ nguyên giá xăng E5RON92 và xăng RON95-III; đồng thời giảm giá các mặt hàng dầu từ 374 đồng - 958 đồng/lít…
Chiều 11/01/2023, liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, xăng E5RON92: không cao hơn 21.352 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 802 đồng/lít.
Xăng RON95-III: không cao hơn 22.154 đồng/lít (giữ nguyên so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 21.634 đồng/lít (giảm 517 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành)
Dầu hỏa: không cao hơn 21.809 đồng/lít (giảm 958 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 13.366 đồng/kg (giảm 374 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Trong kỳ điều hành này, liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) đối với dầu điêzen ở mức 605 đồng/lít (như kỳ trước), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (kỳ trước 200 đồng/lít); dầu Mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước không trích lập). Đồng thời thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 121 đồng/lít (kỳ trước chi 350 đồng/lít); xăng RON95 ở mức 103 đồng/lít (kỳ trước chi 400 đồng/lít), ngừng chi Quỹ BOG đối với dầu mazut (kỳ trước chi 100 đồng/kg).
Lý giải nguyên nhân tiếp tục điều chỉnh tăng giá các mặt hàng xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 11/01/2023, liên Bộ cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành từ ngày 03/01/2023-11/01/2023 chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc chính thức gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh; nhu cầu khí đốt tại Hoa Kỳ và Châu Âu có xu hướng giảm; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu,…các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 03/01/2023 và kỳ điều hành ngày 11/01/2023 là: 88,620 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,490 USD/thùng, tương đương giảm 0,55% so với kỳ trước); 92,022 USD/thùng xăng RON95 (giảm 0,491 USD/thùng, tương đương giảm 0,53% so với kỳ trước).
Tương tự, dầu hỏa ở mức 109,717 USD/thùng (giảm 4,900 USD/thùng, tương đương giảm 4,28% so với kỳ trước); dầu điêzen là 108,580 USD/thùng (giảm 4,886 USD/thùng, tương đương giảm 4,31% so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3,5S ở mức 371,155 USD/tấn (giảm 26,206 USD/tấn, tương đương giảm 6,6% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, giá xăng dầu thế giới đối với 02 mặt hàng xăng giảm nhẹ và đang chi Quỹ BOG đối với 02 mặt hàng xăng (chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 350 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít), để hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023, tuân thủ quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với 02 mặt hàng xăng và giảm mức chi Quỹ BOG đối với 02 mặt hàng xăng; giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với dầu điêzen, tăng mức trích lập Quỹ BOG đối với dầu hỏa và dầu mazut, ngừng chi Quỹ BOG đối với dầu mazut và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với dầu điêzen và dầu hỏa để giá mặt hàng dầu phù hợp với diễn biến giá dầu thế giới, tạo dư địa Quỹ BOG để điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.
Phương án điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường; bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.