14:15 28/09/2011

Giấc mơ Mỹ “cay đắng” của người Trung Quốc

Hồng Ngọc

Việc có được một tấm thẻ xanh của Mỹ đã trở thành một giấc mơ rất hiện thực của một bộ phận người dân Trung Quốc

Một khu phố sầm uất của người Hoa tại Mỹ - Ảnh: Elki/ USA Pictures.
Một khu phố sầm uất của người Hoa tại Mỹ - Ảnh: Elki/ USA Pictures.
Không chỉ những người bình thường mà ngay cả nhiều doanh nhân Trung Quốc cũng muốn được hưởng quy chế thường trú ở Mỹ, hay còn gọi là thẻ xanh. Dường như việc có được một tấm thẻ xanh đã trở thành một giấc mơ rất hiện thực của một bộ phận người dân ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo VOA, các khu vực ở nước Mỹ chịu tác động mạnh bởi suy thoái kinh tế đang tích cực tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài giúp tạo thêm công ăn việc làm cho vùng của họ. Để đổi lại, Chính phủ "xứ cờ hoa" sẽ cho các nhà đầu tư và gia đình họ được hưởng quy chế thường trú. Và nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.

Chẳng hạn như tại thành phố Lancaster, tiểu bang California, người dân nơi đây đang rất cần công ăn việc làm. Phó thị trưởng Kit Yee Szeto của Lancaster cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại thành phố này lên tới 17%, gần gấp đôi tỷ lệ trung bình trên toàn quốc.

Ông Szeto hy vọng các nhà đầu tư như ông Hứa Hưng Bình sẽ là đáp án cho vấn đề thất nghiệp của Lancaster. Ông Hứa từ Trung Quốc tới, và coi Lancaster một nơi có thể đầu tư 100 triệu USD. Ông muốn xây dựng một trung tâm lưu trữ sản phẩm của các công ty Trung Quốc rồi phân phối khắp thị trường Bắc Mỹ.

James Li, lãnh đạo một trung tâm trực thuộc cơ quan di trú Mỹ, phụ trách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách thu hút các nhà đầu tư qua một chương trình di dân có tên EB-5, cho hay: “Lancaster rất hấp dẫn bởi vì có sẵn đất đai rộng lớn, có một thành phố và các giới chức chính quyền địa phương thân thiện nên các nhà đầu tư Trung Quốc cảm thấy thoải mái”.

Mặc dầu chương trình EB-5 được tạo ra từ năm 1990, ông Li nói rằng từ năm 2008 ông mới thấy có thêm các nhà đầu tư Trung Quốc chú ý. Kể từ ngày khởi đầu áp dụng chương trình này, 34.000 công ăn việc làm đã được tạo ra qua chương trình EB-5, VOA cho biết. Và các quan chức lãnh đạo ở Lancaster hy vọng rằng, thành phố của họ đủ hấp dẫn để tạo thêm công ăn việc làm và kéo theo những món tiền đầu tư.

Ông Hứa đủ điều kiện tham gia chương trình EB-5. Chương trình này cho các nhà đầu tư nước ngoài và gia đình họ được hưởng quy chế thường trú nếu họ đầu tư tại Mỹ tối thiểu nửa triệu đô la trong khu vực nông thôn hay một thành phố có tỷ lệ thất nghiệp cao. Cuộc đầu tư này cũng phải tạo ít nhất 10 công ăn việc làm trong vòng hai năm. Đa số các nhà đầu tư trong chương trình EB-5 là người Trung Quốc.

Nhà đầu tư họ Hứa đồng ý rằng thẻ xanh hấp dẫn đối với một số người Trung Quốc: “Nhiều người Trung Quốc tin rằng nếu có thẻ xanh của Mỹ, họ sẽ được thêm nhiều người bên nhà biết đến. Họ xem đó là một vinh dự”. Riêng với ông, quy chế này mang lại nhiều điểm lợi, nó sẽ cho phép ông nhập cảnh vào nhiều quốc gia mà không cần xin thị thực.

Năm ngoái, tờ China Daily từng tiết lộ, đối với rất nhiều người giàu Trung Quốc, đầu tư 500.000 USD vào một chương trình Mỹ là cách tốt nhất để có được tấm thẻ xanh cho bản thân hoặc cho con cái. Giá bất động sản tăng vọt và thị trường chứng khoán bùng nổ ở Trung Quốc đã cho phép nhiều người giàu có đủ tiền thực hiện giấc mơ Mỹ của họ.

China Daily dẫn một câu chuyện về bà Lily Zhang, một nữ thương nhân Trung Quốc. Bà Zhang tính chuyển một phần việc làm ăn buôn bán của mình ở thành phố Hạ Môn sang nam California, để giúp cho cô con gái Yvonne Liu, 22 tuổi, có thể ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học. Bà đã đăng ký thành lập chi nhánh ở Mỹ, và đó là cách tốt nhất để Yvonne có thể ở lại đất nước của sự tự do.

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, số "thẻ xanh nhà đầu tư" được cấp cho những người không phải công dân Mỹ đã tăng gấp 3 lần, lên 4.218 thẻ trong năm tài khóa 2009. Khoảng 1.800 trong số thẻ này đã được dùng để cấp cho những công dân đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc.

Luật sư chuyên về nhập cư David Fang ở California cho biết, 10 năm trước, 70% khách hàng của ông đến từ Đài Loan, số còn lại từ Hồng Kông, nhưng "giờ đây, 70% khách hàng của tôi là từ Trung Quốc đại lục", ông nói. Theo khảo sát năm 2008 của Cơ quan Điều tra dân số Mỹ, có hơn 1,1 triệu người Mỹ gốc Hoa sống ở California.

Còn tại Bắc Kinh, theo tiết lộ của tờ China Daily, những gia đình giàu có thường tới những buổi hội thảo cung cấp thông tin và khuyến khích nhập cư đầu tư vào Mỹ. Các bậc phụ huynh tới đây để tìm kiếm cơ hội có thể giúp cho con mình có một tương lai tốt đẹp hơn ở Mỹ. Tại đó, các nhà tư vấn, luật sư và đại diện của các trung tâm đều vẽ lên một bức tranh màu hồng cho khách hàng.

Tuy nhiên, tờ báo trên cho biết, thực tế là khoản đầu tư 500.000 USD chỉ đủ để trả lương cho 10 lao động trong một năm, trong khi giá một "lá bùa hộ mạng" không chỉ có vậy. "Tôi phải duy trì việc làm cho họ trong ít nhất 2 năm nữa trước khi gia đình tôi có thể nhận được thẻ xanh", nữ thương nhân Liu Jie ở Bắc Kinh cho biết.

Để thành công, khoản đầu tư của Liu Jie phải đảm bảo tạo 10 việc làm cho người địa phương ở một khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao trong ít nhất 2 năm, trước khi tấm thẻ xanh tạm được đổi thành dài hạn. Và một doanh nghiệp phải làm ăn có lãi thì mới có thể thu hồi vốn sau 5 năm.

Song cũng có một cách khác dễ hơn và ít rủi ro hơn là sinh con ở Mỹ. Tờ Economic Obsever mới đây cho biết, khi được đẻ ở Mỹ, các em bé nghiễm nhiên trở thành công dân Mỹ. Đến năm 21 tuổi, bố mẹ của các em cũng có thể nộp đơn xin thẻ xanh hoặc nhập quốc tịch. Do vậy, nhiều gia đình trung lưu đã tìm cách cho con mình một cuốn hộ chiếu Mỹ.

Nhân vật chính trong bài viết này, cô Liu Li đã phải tập tành và tìm hiểu rất nhiều thông tin trước khi sang Mỹ sinh con. Khi tới Mỹ, cô cầm chiếc túi xách tay trước bụng, theo cách mà nhân viên trung gian đã hướng dẫn cô. Liu trang điểm nhẹ, mặc một chiếc váy rộng và buộc tóc cao. Cô cố gắng tỏ ra thật tự nhiên để không bị phát hiện là đã có mang 6 tháng.

Liu Li cho biết, vé máy bay, phí đỡ đẻ, phí chăm sóc trước và sau khi sinh lên tới 20.000 USD. Thêm vào đó, do đa số các hãng hàng không từ chối phục vụ khách có mang trên 32 tuần, nên Liu Li đã phải bắt đầu hành trình của mình khi chỉ có mang được 6 tháng, và sau đó ở lại một trung tâm đỡ đẻ cho phụ nữ Trung Quốc tại California.

Việc sinh con tại Mỹ để nhận quốc tịch cũng gây ra không ít phiền toái, nếu người mẹ đưa đứa con về Trung Quốc, chẳng hạn như đăng ký hộ khẩu, đóng học phí ở trường Trung Quốc, đóng bảo hiểm y tế... Từ đó lại sinh ra thêm một vấn nạn khác, là nhiều gia đình vì muốn giữ quốc tịch Mỹ cho con, đã làm giấy tờ giả quốc tịch Trung Quốc cho đứa trẻ.

"Sang Mỹ sinh con là một giấc mơ tuyệt vời nhưng cũng rất tốn kém", cô Song Jingwen, một phụ nữ Trung Quốc có con trai mang quốc tịch Mỹ, nhận xét.

Cho dù là như vậy, thì vẫn có nhiều người tiếp tục tìm cách tới Mỹ để sinh con. Theo Hiến pháp Mỹ, bất kể ai được sinh ra trên đất Mỹ sẽ trở thành công dân nước này, được hỗ trợ học ở các trường công lập, được nhận hỗ trợ học phí đại học, được bầu cử. Cho dù công dân không nộp thuế hay làm việc tại Mỹ từ sau năm 15 tuổi thì vẫn nhận được một số ưu đãi, dù hạn chế.