16:55 26/06/2012

“Giấc mơ Mỹ giờ là chuyện cổ tích”

Hồng Ngọc

Từng một thời được xem là vùng đất hứa, nước Mỹ hiện đang phải vật lộn với tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng

Theo giáo sư Joseph Stiglitz, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở nước Mỹ đã lên mức cao nhất trong gần một thế kỷ - Ảnh: CNBC.
Theo giáo sư Joseph Stiglitz, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở nước Mỹ đã lên mức cao nhất trong gần một thế kỷ - Ảnh: CNBC.
“Giấc mơ Mỹ” là cụm từ dùng để chỉ sự khao khát, mong muốn trở thành công dân Mỹ của một bộ phận người dân ở các quốc gia nghèo khó trên thế giới, với hy vọng trở nên giàu có, đổi đời và rũ bỏ quá khứ. Tuy nhiên, điều này đang lùi dần vào quá khứ.

Theo chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, từng một thời được xem là mảnh đất mang lại nhiều hứa hẹn cho mọi người, nước Mỹ hiện đang phải vật lộn với tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng và một hệ thống chính trị mang lại lợi ích cho người giàu, điều này hạ thấp tăng trưởng và giết chết giấc mơ Mỹ.

Trong bài viết đăng trên tờ Financial Times số ra hôm nay (26/6), giáo sư Stiglitz cho hay, nước Mỹ đã phải vất vả để tạo nên một giấc mơ Mỹ. Nhưng hiện tại, giấc mơ đó đã là một câu chuyện cổ tích. Theo ông, sự bất bình đẳng hiện đã lên mức cao nhất trong gần một thế kỷ và khoảng cách giàu nghèo đang ngày một dãn rộng hơn.

“Ngày nay, những cơ hội trong cuộc đời một đứa trẻ phụ thuộc nhiều hơn vào thu nhập của cha mẹ của đứa bé đó. Tình trạng này ở Mỹ nặng nề hơn so với châu Âu hay bất cứ một nền kinh tế công nghiệp tiên tiến nào”, chuyên gia kinh tế nổi tiếng cho hay.

Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê dân số Mỹ, sự bất đối xứng thu nhập của các hộ gia đình Mỹ đã tăng 18% kể từ 1967 tới nay, mặc dù xu hướng này đã chậm lại trong vài năm gần đây. Sự chênh lệch giàu nghèo cũng đang là chủ đề nóng được hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khai thác trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012.

Chuyên gia Stiglitz cho rằng các điều luật, đặc biệt là những quy định liên quan tới lĩnh vực tài chính đang góp phần tạo nên sự chênh lệch này. Theo ông, những điều khoản về vay mượn hay thẻ tín dụng đã chuyển tiền của người nghèo sang tay người giàu. Hoặc chẳng hạn, luật về phá sản miễn trừ cho các chứng khoán phát sinh.

Trong một bài viết khác trên trang Business Insider mới đây, giáo sư Stiglitz cũng nhắc tới vấn đề bất bình đẳng này. Ông đã vẽ ra một viễn cảnh không mấy sáng sủa về nước Mỹ trong tương lai: Mọi người sẽ sống trong một cộng đồng mà phải tự bảo vệ bằng vũ khí. Tình trạng bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế sẽ sớm nảy sinh.

Nước Mỹ đã trở thành một quốc gia không phải “công lý dành cho mọi người”, mà đúng hơn là thiên vị cho người giàu và công lý dành cho ai đủ tiền mua. Điều này có thể thấy rõ trong cuộc khủng hoảng tịch thu tài sản để thế nợ, mà trong đó, các ngân hàng lớn tin rằng họ quá lớn nên không thể thất bại, mà còn đáng tin cậy.

Giáo sư Joseph Stiglitz cảnh báo: “Nếu sự bất bình đẳng của Mỹ không được giải quyết đến tận gốc rễ thì chẳng mấy chốc Mỹ sẽ rơi xuống tầng lớp thế giới thứ 3”. Tuy nhiên, ông tin rằng, “cơn ác mộng này” có thể tránh được. Brazil là quốc gia điển hình đã giải quyết được bài toán bất bình đẳng thu nhập trong nước.

Cũng liên quan tới giấc mơ Mỹ, một chuyên gia khác là Henry Blodget cho rằng, một trong những lý do quan trọng nhất khiến Mỹ không còn là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới với người nhập cư là nền kinh tế này đang suy yếu, trong khi số người nghèo ngày càng tăng và tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn.