10:41 27/12/2022

Giải bài toán “trục lợi” đấu thầu thiết bị y tế

Đỗ Mến

Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, kỳ vọng phần nào giải được bài toán hóc búa về “trục lợi” đấu thầu trong thời gian qua...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vi phạm đấu thầu trong mua sắm thiết bị y tế diễn ra dưới nhiều hình thức như thông đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư, nâng khống giá, “cài cắm” tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, lập “quân xanh”, “quân đỏ”, với mục đích nhằm trục lợi của nhóm lợi ích nhóm.

Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đánh giá vụ án Công ty cổ phần Tiến Bộ (AIC) là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm, sự cấu kết của doanh nghiệp với người có thẩm quyền nhằm trục lợi, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.

TỪ GIÃI BÀY CỦA DOANH NGHIỆP….     

Tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu thầu làm méo mó công tác đấu thầu, thiếu tính  cạnh tranh, minh bạch trên thị trường… “Quân xanh” được hiểu là doanh nghiệp có nhiệm vụ tham gia để trượt, còn “quân đỏ” là nhà thầu được sắp xếp để trúng thầu.

Có nhiều trường hợp, gói thầu này, doanh nghiệp đóng vai “quân xanh”, gói thầu khác là “quân đỏ” như Công ty cổ phần Moha, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế và Môi trường, Công ty TNHH thương mại và Công nghệ kỹ thuật TNT …

Việc dàn dựng các doanh nghiệp tham gia theo chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AIC) để giúp AIC trúng 16 gói thầu tại dự án Bệnh viện Đồng Nai.

Trong đó, Công ty TNT tham dự 11 gói thầu, làm “quân xanh” trong 10 gói thầu, “quân đỏ” trong 1 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 112 tỷ đồng; Công ty Thành An Hà Nội đã hợp thức các hồ sơ dự thầu, đóng vai trò là “quân đỏ” 2 gói thầu số 71,74 và làm “quân xanh” cho 3 gói thầu số 63,65,67…

Luật sư Đỗ Mạnh Trường cho rằng, thời điểm năm 2012-2013, AIC là doanh nghiệp lớn đa ngành, tham gia đấu thầu nhiều gói thầu. Công ty TNT và các doanh nghiệp khác để bán thiết bị y tế vào dự án phải tham gia đấu thầu theo sự sắp xếp, điều hành của AIC.

Theo cơ chế này, bị cáo Lê Thị Bích Thủy (Giám đốc Công ty TNT) phải chấp nhận làm “quân xanh”, “quân đỏ” cho Công ty AIC để bán được hàng vào dự án nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên, duy trì sự ổn định và phát triển cho công ty.

Toàn bộ việc tham gia đấu thầu từ mua hồ sơ mời thầu cho đến việc thiết lập và nộp hồ sơ dự thầu đều do AIC sắp xếp. Công ty TNT đứng tên tham gia đấu thầu 11 gói thầu và được cung cấp thiết bị vào 2 Gói thầu số 07 và số 65.

Trong đó, gói thầu số 07, Công ty TNT là đơn vị vừa cung cấp thiết bị vừa thực hiện thi công lắp đặt hệ thống khí.

Quang cảnh phiên tòa vụ án AIC gian lận thầu.
Quang cảnh phiên tòa vụ án AIC gian lận thầu.

Quá trình tố tụng, bị cáo Lê Thị Bích Thủy thừa nhận nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do thiếu hiểu biết về đấu thầu, sức ép về doanh số…. Tương tự bị cáo Nguyễn Văn Bằng – cựu giám đốc công ty Tâm Hợp cũng thừa nhận làm “quân xanh” do có nhu cầu bán thiết bị cho công ty con của AIC. Còn bị cáo Huỳnh Tuấn Anh, giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân trình bày, bị cáo ký 13 bản báo giá dưới sự vô thức bởi nghĩ đó là chào hàng, giới thiệu sản phẩm…

Hay như về phía đơn vị tư vấn, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, bị cáo Nguyễn Thị Dung (giám đốc Công ty TNHH Liên doanh tư vấn y tế Mediconsult) khi biết AIC là nhà thầu thì phải chỉ đạo nhân viên làm chuẩn chỉ, thậm chí phải loại bỏ các tài liệu của AIC ra khỏi các tài liệu tham chiếu khi xây dựng báo cáo tư vấn. Nhưng vì nguyên nhân lo mất hợp đồng, ảnh hưởng đến uy tín công ty trên thương trường nên bị cáo đã bỏ qua, làm ngơ và hậu quả là tạo lợi thế cho AIC nắm bắt trước được thông tin để trúng thầu.

ĐẾN VIỆC SỬA LUẬT ĐỂ CHẶN THÔNG ĐỒNG, TRỤC LỢI

Trang thiết bị y tế có tính chất đặc thù, thường chứa đựng công nghệ có tính độc quyền, ít nhà cung cấp. Theo luật sư Trịnh Văn Tuyến, các thiết bị y tế gắn với công năng sử dụng, chế độ bảo hành, bảo trì, lắp đặt, vận hành và giá cả chính là "linh hồn", là xương sống và là vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất trong mỗi gói thầu. Tiếp đến là năng lực tài chính, năng lực thực hiện, đảm đương dự án của doanh nghiệp.

Sau nữa là những con người, những kỹ sư, kỹ thuật viên tham gia vào các gói thầu mới là những yếu tố quan trọng và có tính quyết định trong việc dự thầu và thông thầu... Còn việc phải có một bộ hồ sơ dự thầu đẹp đẽ, hoàn chỉnh, đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư cũng như các quy định hành chính về đấu thầu, thực sự không mang nhiều ý nghĩa và càng không có vai trò gì đáng kể đến việc dự thầu và thông thầu.

Trên thực tế, hiện nay Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi năm 2013 một lần nữa được đặt lên bàn nghị trường để sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, với mục đích bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh trục lợi, tiêu cực tham nhũng đồng thời phải hài hòa giữa quyền lợi nhà nước, thông thoáng cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu.

Lần này, nhà làm luật hướng đến việc bổ sung, hoàn thiệu quy định về tiêu chí bảo đảm cạnh trong trong nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá. Bên cạnh đó là đẩy mạnh đấu thầu qua mạng – một biện pháp được kỳ vọng giúp công khai, minh bạch tối đa từ đó hạn chế hành vi vi phạm, trục lợi.

Đồng thời, dự thảo luật dự kiến loại bỏ các thủ tục ở cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.

Mặt khác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả áp dụng chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong đấu thầu theo hướng bổ sung các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm đã xảy ra trong thực tế, đồng thời tăng cường chế tài và trách nhiệm xử lý của người có thẩm quyền…

Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, kỳ vọng phần nào giải được bài toán hóc búa về “trục lợi” đấu thầu trong thời gian qua.