“Giải mã” làn sóng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Thái Lan
“Tôi cho rằng các công ty Thái Lan đã đạt tới quy mô mà chỉ riêng thị trường trong nước không còn đủ cho họ nữa”
Công ty sở hữu nhà hàng The Wolseley nổi tiếng ở thủ đô London của Anh mới đây đã bị thâu tóm bởi Minor Hotels - công ty quản lý khách sạn có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Bangkok. Tờ Financial Times nói rằng, đây là vụ mới nhất trong loạt vụ đầu tư ra nước ngoài của các công ty Thái thời gian gần đây.
Minor đã trả cho công ty Graphite Capital số tiền khoảng 57 triệu Bảng để nắm lượng "cổ phần quan trọng" trong Corbin & King, công ty nhà hàng Anh mà ngoài The Wolseley còn sở hữu nhà hàng The Delaunay và khách sạn Beaumont Hotel.
Thỏa thuận trên được công bố cùng thời điểm khi hãng bia ThaiBev, công ty nằm dưới sự kiểm soát của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, mua 53% cổ phần trong hãng bia Sabeco của Việt Nam với giá gần 5 tỷ USD.
Những thỏa thuận này nối dài chuỗi thương vụ đầu tư ra nước ngoài của các công ty Thái Lan thời gian gần đây, trong đó có nhiều công ty gần như không được biết đến bên ngoài biên giới Thái. Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ dệt may, xi măng, cho tới thực phẩm và ngân hàng.
Financial Times cho rằng làn sóng công ty Thái Lan đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ mong muốn tăng cường năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa danh mục đầu tư, và phòng ngừa những rủi ro của nền kinh tế trong nước vốn đối mặt với rủi ro chính trị kinh niên.
Chính quyền hiện nay của Thái Lan đã hứa tổ chức bầu cử vào tháng 11 năm sau, nhưng những hoài nghi về tương lai gần của nước này đã làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng các công ty Thái Lan đã đạt tới quy mô mà chỉ riêng thị trường trong nước không còn đủ cho họ nữa", giáo sư Pavida Pananond thuộc Trường Kinh doanh Thammasat ở Bangkok, nhận định. "Bởi vậy, việc mở rộng ra bên ngoài là một điều bình thường mới trong chiến lược tăng trưởng".
Giá trị các vụ M&A của doanh nghiệp Thái Lan ở nước ngoài qua các năm (đơn vị: tỷ USD) - Nguồn: Dealogic/FT.
Việc các công ty Thái đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài diễn ra đồng thời khi các công ty Malaysia và Singapore có chiến lược tương tự. Phần lớn các khoản đầu tư này chảy vào Việt Nam, Myanmar, Campuchia và các nước Đông Nam Á khác, nơi tiền lương thấp hơn và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn Thái Lan. Tuy nhiên, các công ty Thái còn mua tài sản ở Mỹ và châu Âu nữa.
Dữ liệu từ Dealogic cho thấy các công ty Thái Lan đã tham gia vào 5 vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài với tổng trị giá 5,6 tỷ USD trong năm 2016. Năm nay, 59 vụ M&A ở nước ngoài đã được các doanh nghiệp Thái Lan thực hiện, trị giá 2,8 tỷ USD, chưa kể vụ Minor mua cổ phần Corbin & King và vụ ThaiBev thâu tóm cổ phần Sabeco. Nếu tính cả hai thương vụ này, thì giá trị M&A ở nước ngoài của các công ty Thái Lan năm nay đã đạt 7,6 tỷ USD.
Tập đoàn bất động sản Sansiri của Thái Lan tháng trước tuyên bố đầu tư 80 triệu USD vào một loạt công ty nước ngoài, bao gồm công ty khách sạn Standard International và tạp chí phong cách sống Monocle.
Sau khi mua công ty bán lẻ Italy có tên Rinasscente vào năm 2011, tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan, lại mua cổ phần lớn trong công ty bán lẻ KaDeWe của Đức vào năm 2015. Ngoài ra, Central Group còn đang xây dựng một trung tâm mua sắm lớn ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Thai Union, nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới, năm ngoái đã trả 575 triệu USD để mua cổ phần trong chuỗi nhà hàng Red Lobster của Mỹ.
Công ty lớn nhất của Thái Lan là Charoen Pokphand (CP) từng đầu tư sớm vào Trung Quốc, và hiện nay công ty này tự miêu tả là một công ty đa quốc gia. CP hiện có hoạt động sản xuất thịt gia cầm ở Ba Lan, sản xuất sữa và thịt lợn ở Nga, chế biến hải sản và canh tác nông nghiệp ở Việt Nam. Năm ngoái, CP trả 1,1 tỷ USD để mua Bellisio, một nhà sản xuất thực phẩm đông lạnh có trụ sở ở bang Minneapolis, Mỹ.
Đại sứ quán Thái Lan ở Washington cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Thái Lan vào Mỹ trong năm 2016 đạt mức 1,6 tỷ USD, nhiều hơn số 1,1 tỷ USD mà Mỹ đầu tư vào Thái.
Làn sóng đầu tư ra nước ngoài diễn ra khi các công ty Thái Lan nỗ lực tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cơ cấu dân số nước này thay đổi, với tình trạng lão hóa gia tăng. Nhiều công ty Thái hiện đang đầu tư vào tự động hóa để khắc phục tình trạng này. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng đang đẩy mạnh việc phát triển Hành lang kinh tế phía Đông, một chiến lược nhằm thu hút 43 tỷ USD vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp và hạ tầng ở 3 tỉnh ven biển phía Đông nước này.
"Chúng tôi cần thêm sự tăng trưởng", ông Somkia Tangkitvanich, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan ở Bangkok, nói. "Chúng tôi cho rằng các công ty Thái cần di chuyển lên cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng, chuyển vốn đầu tư sang các nước láng giềng. Và đó chính là những gì đang diễn ra".