Giải quyết thách thức: Phát triển nguồn năng lượng LNG
Phát triển khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi cácgiải pháp, cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả, đảm bảo công bằng hợp lý cho Nhà nước, nhà đầu tư vàngười dân...
Theo nghiên cứu Wood Mackenzie, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc các khoản đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng khí đốt, hợp đồng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và những cải cách chính sách quan trọng, khi nhu cầu về khí đốt của quốc gia dự kiến tăng trung bình 12%/năm và có thể tăng gấp ba lần vào giữa những năm 2030.
Tuy nhiên, so với các nước phát triển trên thế giới, ngành công nghiệp khí của Việt Nam còn trong giai đoạn đang phát triển. Do đó, thị trường LNG Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
THÁCH THỨC TỪ BÊN NGOÀI
Việt Nam hiện chưa có cơ sở khai thác và hóa lỏng nên hạ tầng LNG chủ yếu tập trung ở khâu nhập khẩu, lưu trữ và tái khí hóa. Do đó, theo TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng, Việt Nam phải cạnh tranh với ba quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu LNG là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê trong 30 năm qua (từ 1990-2019), khối lượng nhập khẩu LNG của Nhật Bản đã tăng từ 50 tỷ m3 (năm 1990) lên cao nhất 120,6 tỷ m3 (năm 2013) và đạt bình quân 85,4 tỷ m3/năm (giai đoạn 1990-2019), đứng đầu thế giới. Khối lượng nhập khẩu của Hàn Quốc cũng tăng từ 2,99 tỷ m3 (năm 2019) lên cao nhất 53,2 tỷ m3 (năm 2013) và đạt bình quân 28,7 tỷ m3/năm (giai đoạn 1990-2019). Trung Quốc lục địa tuy tham gia nhập khẩu LNG muộn, nhưng có mức tăng trưởng rất nhanh, từ 0,95 tỷ m3/năm (năm 2006) lên 77,4 tỷ m3/năm (năm 2019); còn Đài Loan bắt đầu nhập khẩu LNG sớm hơn (từ năm 1993) với khối lượng tăng từ 2,32 tỷ m3 (năm 1993) lên 20 tỷ m3 (năm 2019).
Như vậy, mức nhập khẩu LNG của Trung Quốc (kể cả Đài Loan) bình quân là 37 tỷ m3/năm (đứng thứ hai trên thế giới, sau Nhật Bản và trên Hàn Quốc. “Tất cả các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên châu Á sẽ xem xét nguồn cung theo cả phương thức phân phối (đường ống, LNG) và theo nhà cung cấp”, ông Sơn thông tin.
Ông Sơn cũng chỉ ra thách thức cho Việt Nam về những rủi ro khủng hoảng năng lượng trên thế giới ngày càng tăng. LNG có vai trò ngày càng tăng trong giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến an ninh năng lượng của các quốc gia trong thập kỷ qua. Các yếu tố chính của cuộc khủng hoảng năng lượng, trong đó LNG đóng vai trò “bù đắp” cho việc thiếu năng lượng sản xuất, gồm: thảm họa thiên tai; sự phức tạp của tình hình địa chính trị...
“Gần đây, trong bối cảnh phức tạp quan hệ địa chính trị giữa Nga và châu Âu, một cuộc khủng hoảng năng lượng mới đã nảy sinh ở Liên minh châu Âu (EU) do khu vực này quyết định đột ngột từ bỏ đường ống dẫn khí đốt của Nga, đồng thời đẩy mạnh nhập khẩu LNG từ các nước khác. Vì vậy, hiện tại một số nước EU đã ký hợp đồng xây dựng thêm công suất tái hóa khí và chi phí LNG năm nay đã phá kỷ lục lịch sử”, ông cảnh báo.
NHỮNG KHÓ KHĂN "NỘI TẠI" TRONG NƯỚC
Ở trong nước, ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng, đã chỉ ra các khó khăn liên quan đến địa phương, chẳng hạn như một số tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư (Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận) do còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cùng với đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, công tác bàn giao đất, cho thuê đất với dự án nguồn và tuyến đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án. Ngoài ra, hiện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8) và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, một số đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy điện lớn chưa được giao chủ đầu tư, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đường dây và việc đàm phán các thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất cho một số dự án điện khí.
Trong khi đó, theo ông Kỳ, các chủ đầu tư đã được giao dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong thu xếp vốn vay do phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng. Thực tế, các dự án điện khí hiện nay, trừ dự án Nhơn Trạch 3 và 4, đang sử dụng hợp đồng mua bán điện (PPA) của dự án để đi thu xếp toàn bộ vốn vay cho dự án. Còn lại chưa có dự án điện khí nào hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do còn một số vướng mắc như việc chuyển ngang cam kết sản lượng mua khí từ hợp đồng mua khí sang hợp đồng mua điện, hay vấn đề chuyển ngang giá khí sang giá điện.
“Các dự án điện khí thường có thời gian thực hiện kéo dài, do nhiều chủ đầu tư khác nhau (gồm cả chủ đầu tư nước ngoài) thực hiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật liên quan. Vì vậy, trong quá trình triển khai khó lường hết được những vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể cả chuỗi dự án”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, LNG là một nguồn năng lượng hoàn toàn mới. Việt Nam tham gia vào thị trường LNG của thế giới tương đối muộn và với quy mô nhỏ bé. Về sức mua, nguồn “cung” - giá thành phát điện bằng LNG cao, trong khi nguồn “cầu”- sức mua của nền kinh tế về điện (khả năng chi trả) còn thấp.
Điểm yếu nội tại cơ bản này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các dự án phát triển nguồn điện ở Việt Nam.
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Theo Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án nhà máy điện sử dụng khí tự nhiên khai thác trong nước và LNG là 30.424 MW (các dự án điện khí), chiếm khoảng 40% tổng công suất điện cần bổ sung.
Để phát triển LNG tại Việt Nam, ông Sơn đưa ra một số đề xuất cụ thể. Thứ nhất, cần lựa chọn các hồ sơ dự án có đề xuất đồng bộ từ A đến Z. Liên quan đến các nhà máy nhiệt điện, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu: “Khuyến khích các dự án nhiệt điện đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy trên cơ sở xác định giá bán điện thông qua đấu thầu”. Theo đó, trong triển khai các dự án điện LNG, khâu cung ứng nhiên liệu là quan trọng nhất, có nhiều rủi ro nhất, cần được đưa vào “phạm vi cung cấp của nhà thầu”.
Thứ hai, cần đấu thầu về giá điện. Thực tế, giá nhập khẩu CIF (cơ cấu giá LNG) tại Việt Nam của LNG rất cao. LNG có giá cao sẽ đẩy giá điện bình quân lên cao. Vì vậy, cần thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị là “triển khai các dự án trên cơ sở giá điện thông qua đấu thầu”.
Thứ ba, cần triển khai dự án tại khu vực có cảng biển nước sâu, phát triển các dự án điện LNG cân đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng đối với các dự án nguồn điện rất quan trọng. Theo đó, các dự án điện LNG cần được xây dựng tại các khu vực cảng biển nước sâu có thể tiếp nhận tầu chở LNG có tải trọng lớn. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, điện LNG chỉ có thể bền vững và có hiệu quả nếu được phát triển cân đối với các nguồn điện khác.
"Các dự án điện khí thường có thời gian thực hiện kéo dài, do nhiều chủ đầu tư khác nhau (gồm cả chủ đầu tư nước ngoài) thực hiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật liên quan. Vì vậy, trong quá trình triển khai khó lường hết được những vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể cả chuỗi dự án".
Ông Lã Hồng Kỳ, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng
Bổ sung thêm, ông Kỳ cho rằng để các dự án nhà máy nhiệt điện khí tiếp tục được triển khai đúng tiến độ, ngoài việc xác định cơ cấu nguồn điện phù hợp, cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, thách thức.
Các dự án điện khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, bởi đây là nguồn điện nền, linh hoạt, có phát thải thấp, phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng và mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Do đó, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam là cần các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả, đảm bảo công bằng hợp lý cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân nhằm tạo điều kiện phát triển hiệu quả các nguồn điện nói chung và các nhà máy nhiệt điện khí nói riêng, để tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194