Giải thể ba xã của huyện đảo Lý Sơn, sắp xếp hàng trăm đơn vị hành chính khác
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp hàng trăm đơn vị hành chính, thành lập mới 43 đơn vị hành chính ở đô thị
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp hàng trăm đơn vị hành chính, thành lập mới 43 đơn vị hành chín ở đô thị.
Chiều 10/1, trước khi bế mạc phiên họp thứ 41, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét tờ trình của Chính phủ về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của 18 tỉnh, thành phố.
Gồm: Bình Dương, Cao Bằng, Gia Lai, Hậu Giang, Lai Châu, Tiền Giang, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Yên Bái, Bắc Kạn, Bến Tre, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.
Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 12 đơn vị, sau sắp xếp giảm được 4 đơn vị, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 223, sau khi sắp xếp giảm được 109 đơn vị.
Cũng trong đợt này, Chính phủ còn đề nghị thành lập mới 43 đơn vị hành chính ở đô thị, gồm 3 thành phố thuộc tỉnh, 3 thị xã, 27 phường và 10 thị trấn.
Theo đó, Bình Dương dự kiến thành lập các thành phố Dĩ An, Thuận An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc của các thị xã Dĩ An, Thuận An. Tỉnh này cũng dự kiến thành lập 4 phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã thuộc thị xã Tân Uyên.
Tại Cao Bằng, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 6, cấp xã là 76. Gia Lai, có 4 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.
Tại Hậu Giang có 3 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp. Tỉnh dự kiến thành lập 1 phường thuộc thị xã Ngã Bảy và thành phố Ngã Bảy.
Tại Lai Châu, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 2, cấp xã là 4. Tiền Giang, có 2 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.
Tại Tây Ninh, sẽ thành lập thị xã Hòa Thành và thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thành lập xã Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Bình Thạnh với xã Phước Lưu của thị xã Trảng Bàng.
Tại Yên Bái, thực hiện sắp xếp 2đơn vị hành chính cấp huyện, 14 đơn vị cấp xã và dự kiến thành lập thị trấn Sơn Thịnh thuộc huyện Văn Chấn.
Tại Bắc Kạn, thực hiện sắp xếp 30 đơn vị hành chính cấp xã . Bến Tre thực hiện sắp xếp 13 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố Hải Phòng có 12 đơn vị đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.
Nam Định sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã, con số tượng tự của Ninh Bình là 5 và Quảng Nam là 6. Quảng Nam dự kiến thành lập thị trấn Hương An thuộc huyện Quế Sơn.
Quảng Bình thực hiện sắp xếp16 đơn vị hành chính cấp xã và dự kiến thành lập thị trấn Phong Nha thuộc huyện Bố Trạch.
Vĩnh Long sắp xếp 7 đơn vị hành chính cấp xã và dự kiến thành lập thị trấn Tân Quới thuộc huyện Bình Tân và thành lập 4 phường thuộc thành phố Vĩnh Long (gồm Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội) trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội thuộc thành phố Vĩnh Long.
Tại Vĩnh Phúc, có 2 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp. Tỉnh dự kiến thành lập các thị trấn Hợp Châu, Đại Đình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Hợp Châu, Đại Đình thuộc huyện Tam Đảo và các thị trấn Bá Hiến, Đạo Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Bá Hiến, Đạo Đức thuộc Bình Xuyên.
Quảng Ngãi, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 2 và có tới 17 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp và 1 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng tỉnh đề nghị chưa thực hiện sắp xếp.
Đáng chú ý, đợt này Chính phủ đề nghị giải thể 3 xã trực thuộc của huyện đảo Lý Sơn. Sau khi thực hiện giải thể thì huyện đảo Lý Sơn không còn đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Cũng tại Quảng Ngãi, dự kiến thành lập thị xã Đức Phổ và các phường thuộc thị xã Đức Phổ.
Giải thích về việc giải thể ba xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc giải thể bảo đảm cơ sở pháp lý và thực tiễn. Hiện nay trên cả nước cũng có 3 huyện đảo là Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng, Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị và Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi về việc tổ chức hành chính ở huyện đảo Lý Sơn theo mô hình không có đơn vị hành chính cấp xã.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc giải thể 3 đơn vị hành chính cấp xã ở huyện đảo Lý Sơn là phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phù hợp với thực tiễn.
Vấn đề này đã được tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đề án, lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở 3 xã và ở huyện với tỷ lệ tán thành rất cao.