Giảm 2 triệu thùng dầu/ngày, OPEC+ xung đột mạnh với phương Tây
Động thái này dẫn tới một trong những cuộc xung đột lớn nhất giữa liên minh dầu lửa với thế giới phương Tây, và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng gọi đây là một quyết định “thiển cận”...
OPEC+ ngày 5/10 nhất trí hạ sản lượng khai thác dầu với mức cắt giảm lớn, theo đó siết thêm nguồn cung dầu toàn cầu vốn dĩ đang thắt chặt. Động thái này dẫn tới một trong những cuộc xung đột lớn nhất giữa liên minh dầu lửa với thế giới phương Tây, và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng gọi đây là một quyết định “thiển cận”.
Theo tin từ Reuters, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - nói rằng mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 2% nguồn cung dầu toàn cầu, là cần thiết để phản ứng với sự tăng lên của lãi suất ở các nước phương Tây và tình trạng yếu đi của nền kinh tế thế giới.
OPEC+ là liên minh giữa OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Riyadh bác bỏ những cáo buộc cho rằng họ đang “thông đồng” với Moscow nhằm đẩy giá dầu lên cao. Saudi Arabia cũng nói phương Tây thường bị dẫn dắt bởi “tính ngạo mạn dựa trên sự giàu có” khi chỉ trích OPEC+.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ tiếp tục đánh giá về việc có cần tiếp tục xả dự trữ dầu chiến lược để kéo giá xăng dầu trong nước xuống.
“Tổng thống thất vọng bởi quyết định thiển cận của OPEC+ cắt giảm hạn ngạch sản lượng giữa lúc nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh ở Ukraine”, một tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn viết.
Ông Biden đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, mà nguyên do một phần là lạm phát cao chóng mặt ở Mỹ. Ông đã kêu gọi Saudi Arabia - một đồng minh lâu năm của Mỹ - “ra tay” giúp giảm giá dầu.
Giới chức Mỹ vẫn nói rằng một phần lý do khiến Washington muốn kéo giá dầu xuống là siết nguồn thu nhập của Nga giữa lúc chiến tranh Nga-Ukraine còn tiếp diễn. Đích thân ông Biden đã tới Riyadh trong năm nay, nhưng không nhận được bất kỳ cam kết hợp tác chắc chắn nào về năng lượng. Mối quan hệ giữa hai bên càng rạn nứt khi Saudi Arabia không hề chỉ trích Nga trong vấn đề chiến tranh.
Quyết định cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đưa ra ở Vienna ngày thứ Tư có thể huých giá dầu hồi phục sau khi giảm về vùng 90 USD/thùng từ mức 120 USD/thùng cách đây 3 tháng dưới áp lực từ nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman nói rằng OPEC+ cần phải chủ động khi các ngân hàng trung ương trên thế giới hành động một cách “chậm trễ” trong việc tăng lãi suất để chống lạm phát. Phát biểu này của ông Salman được hiểu rằng do các ngân hàng trung ương đã chậm trong cuộc chiến chống lạm phát nên buộc phải tăng lãi suất mạnh tay, gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế và đặt ra sức ép giảm lớn lên nhu cầu và giá dầu.
Mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được đưa ra trên cơ sở là hạn ngạch hiện có của OPEC+. Điều này có nghĩa là sản lượng thực tế của OPEC+ sẽ không giảm nhiều, vì trong tháng 8, khối này đã khai thác ở mức ít hơn khoảng 3,6 triệu thùng dầu/ngày so với hạn ngạch đề ra.
Việc sản lượng thực tế của OPEC+ không đạt mục tiêu có nguyên nhân là các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp lên những nước như Nga, Venezuela và Iran, cộng thêm những trở ngại trong hoạt động khai thác dầu ở những nước như Nigeria và Angola.
Ông Abdulaziz nói rằng mức cắt giảm thực tế sẽ là 1-1,1 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích của Jefferies ước tính rằng con số cắt giảm thực tế là 0,9 triệu thùng/ngày, trong khi Goldman Sachs nói con số chỉ là 0,4-0,6 triệu thùng/ngày và chủ yếu đến từ các thành viên OPEC ở vùng Vịnh như Saudi Arabia, Iraq, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London và giá dầu thô WTI giao sau tại New York đều tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Tư, sau khi quyết định của OPEC được công bố.
Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/2. Liên minh này sẽ tiến tới họp 6 tháng một lần, thay vì họp hàng tháng như hiện nay.