Giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP xuống 7%
Chính phủ đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2008 từ 8,5-9% xuống khoảng 7%
Ngày 22/4, Chính phủ đã chính thức trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2008 từ 8,5-9% xuống khoảng 7%.
Trong đó, giá trị tăng thêm của nông, lâm, thủy sản có chỉ tiêu mới là 3%, công nghiệp - xây dựng 8,1%, dịch vụ 8%,... Chỉ số tăng giá tiêu dùng phấn đấu thấp hơn năm 2007 (12,63%).
Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ cũng sắp xếp lại thứ tự, đồng thời nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm trong công tác điều hành. Về chính sách tài khóa, chi tiêu công, thực hiện tăng thu, thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, giảm bội chi ngân sách.
Trong đó, kế hoạch đầu tư phát triển sẽ phải sắp xếp, bố trí lại theo hướng không tăng tổng vốn đầu tư dự án từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đình hoãn khởi công các dự án không có trong quy hoạch, chưa đủ thủ tục, ngừng triển khai các dự án chưa thật sự cấp bách, không mang lại hiệu quả, giãn tiến độ một số dự án khác bị kéo dài thời gian thi công hoặc vướng mắc trong giải phóng mặt bằng...
Số vốn từ những dự án này được điều chuyển cho những dự án có hiệu quả, cấp bách, hoàn thành trong năm 2008-2009.
Cũng trong hệ thống chính sách này, thị trường chứng khoán, bất động sản sẽ được điều hành theo hướng phát triển ổn định, giãn tiến độ IPO để không tạo ra sức ép cung hàng hóa quá lớn, bảo đảm chỉ các cổ phiếu có chất lượng mới được lưu hành trên thị trường.
Trong điều hành, Chính phủ cũng sẽ hết sức chú trọng bảo đảm cân đối cung cầu đối với các loại vật tư, hàng tiêu dùng thiết yếu như xăng dầu, điện, xi măng, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực, thuốc chữa bệnh,... bằng nhiều biện pháp từ sản xuất đến xuất nhập khẩu, chính sách thuế.
Về điều hành giá cả: theo dõi sát diễn biến thị trường và biến động giá, đẩy mạnh cung và quản lý chặt, ngăn chặn đầu cơ tăng giá. Trước mắt chưa tăng giá điện, than, xăng dầu, giữ ổn định giá xi măng, phân bón, nước sạch, thuốc chữa bệnh, vé máy bay, tàu hỏa.
Nhìn chung, ý kiến thẩm tra trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế cũng như nhóm giải pháp này. Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần lập luận rõ hơn các cơ sở để Quốc hội thảo luận và biểu quyết, đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của các tầng lớp dân cư để các chính sách đưa ra phù hợp với khả năng kinh tế và nhận được sự ủng hộ của người dân.
Ngoài ra, cũng cần tính toán điều chỉnh các chỉ tiêu khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước và các địa phương như thu chi ngân sách, đầu tư từ ngân sách, chi hỗ trợ đối tượng chính sách, giảm hộ nghèo...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng chỉ ra một số vấn đề trong báo cáo điều chỉnh mục tiêu của Chính phủ, cho rằng việc chuyển hướng điều hành kinh tế từ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng sang ưu tiên mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế là chậm.
Việc phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài chính chưa đồng bộ, nhịp nhàng, việc quản lý thị trường chứng khoán còn lúng túng.
Vì vậy, thời gian tới, trong nhóm các giải pháp tiền tệ cần nâng cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong kiềm chế lạm phát và khai thông thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thực hiện nhất quán, đồng bộ chính sách thắt chặt tiền tệ, bảo đảm kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán ra thị trường không quá 25-30%.
Về nhóm giải pháp tài chính, có ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa thực hiện việc giảm vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà chỉ thực hiện các biện pháp rà soát, cắt giảm, cho dừng những dự án chưa cấp bách hoặc kém hiệu quả. Đưa vấn đề hiệu quả vốn đầu tư là chỉ tiêu quan trọng nhất trong năm 2008 để rà soát lại các danh mục đầu tư đã được phê duyệt.
Đồng thời, cần thực hiện quyết liệt các chính sách kiềm chế nhập khẩu đã có, nhất là với nhóm hàng tiêu dùng; nghiên cứu các giải pháp mới để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm hạn chế nhập siêu.