21:46 11/01/2009

Giảm giá kích cầu du lịch: Vẫn ở vạch xuất phát

Thúy Nhung

Chương trình giảm giá kích cầu ấn tượng vừa được Tổng cục Du lịch công bố, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn những trở ngại

Hiện chương trình mới chỉ chủ yếu quảng bá tới các công ty lữ hành trong nước mà các công ty này chỉ là các đơn vị đón khách khi đã vào Việt Nam, còn việc tiếp cận và quảng bá sản phẩm lại là các công ty lữ hành nước ngoài - Ảnh: Vnanet.
Hiện chương trình mới chỉ chủ yếu quảng bá tới các công ty lữ hành trong nước mà các công ty này chỉ là các đơn vị đón khách khi đã vào Việt Nam, còn việc tiếp cận và quảng bá sản phẩm lại là các công ty lữ hành nước ngoài - Ảnh: Vnanet.
Chương trình giảm giá kích cầu ấn tượng vừa được Tổng cục Du lịch công bố, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn những trở ngại.

Với chương trình hành động công bố ngày 5/1 vừa qua, ngành Du lịch Việt Nam hy vọng sẽ đạt được mục tiêu thu hút 4,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2009.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, tính đến ngày 10/1 đã có 7 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 61 khách sạn, 3 hãng vận chuyển và 14 cửa hàng mua sắm đăng ký tham gia giảm giá từ 30% -  50% trong thời gian từ nay đến tháng 9/2009 với 99 tour.

Vẫn chưa có giá chuẩn

Tuy nhiên tới thời điểm này, những đơn vị đã đăng ký tham gia trong chương trình giảm giá mà VnEconomy tìm hiểu đều chưa đưa ra được mức giá chuẩn cho cam kết của mình.

Bà Dương Minh Thu, Phó phòng Du lịch trong nước của Hà Nội Toserco cho biết: Mặc dù đã xây dựng tour và có cam kết giảm giá gửi Tổng cục Du lịch nhưng giá chuẩn cho những tour này phải tuần tới mới có thể chốt lại.

Nguyên nhân chủ yếu của sự chậm trễ này, theo bà Thu, là do chi phí cho ăn nghỉ của khách hàng thường chiếm tới 50% chi phí của một tour du lịch, tiếp đến là chi phí đi lại. Trong khi đó, đại diện Tổng cục vẫn còn phải tiếp tục làm việc với các khách sạn và các hãng vận tải để có được mức giảm giá hợp lý nhất.

Cũng theo bà Thu, du lịch phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế. Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, ngay cả hoạt động thăm hỏi thân nhân cũng có phần giảm sút. Giảm giá để thu hút khách du lịch cũng chỉ là biện pháp có tính tâm lý. Do đó, trong quá trình thực hiện các doanh đều phải vừa làm vừa phải nghe ngóng.

“Thực tế, các công ty lữ hành trong điều kiện hiện nay có thể giảm bớt lợi nhuận của mình chứ không thể chấp nhận lỗ để thực hiện các tour cho khách hàng”, bà Thu nhận định.

Tuy vậy, “tham gia vào chương trình giảm giá này các công ty cũng có mong muốn chung là sẽ quảng bá để người tiêu dùng biết nhiều hơn đến các sản phẩm của mình”, bà Thu cho biết thêm.

Có cùng nhận định trên, bà Lan Phương, Giám đốc Kim Liên Travel, cũng cho rằng không phải đợi tới khi Tổng cục Du lịch phát động chiến dịch giảm giá mà trước tình hình khó khăn chung, các doanh nghiệp đều đã có những sự chủ động nhất định trong việc điều chỉnh giá tour để thu hút khách hàng. Nhưng điều này vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào giá phòng nghỉ của khách sạn cũng như chi phí vận tải.

Tuy nhiều khách sạn hiện nay đã giảm giá (đặc biệt là các khách sạn 4 - 5 sao) nhưng cũng chỉ là đưa giá phòng trở về gần với thực tế hơn, vì trước đó giá đã được đẩy lên quá cao, chứ chưa phải thực sự vì người tiêu dùng. “Do vậy, tâm lý chung hiện nay của các công ty lữ hành vẫn là “nhìn nhau” để có sự điều chỉnh hợp lý hơn về mặt giá bán của các tour cũng là điều dễ hiểu”, bà Phương nhìn nhận.

Còn bà Tạ Minh Tâm, Phòng Marketing của Bảo Sơn Hotel, một khách sạn 4 sao tại Hà Nội, cho biết: Tham gia chương trình, nhưng mức giảm giá mà Bảo Sơn đưa ra sẽ linh hoạt và còn phải phụ thuộc chủ yếu vào số lượng phòng hiện có tại những thời điểm cụ thể nên không thể công bố ngay mức giá chuẩn.

Bản thân đại diện của Tổng cục Du lịch thì cho hay, hiện chương trình giảm giá để kích cầu vẫn đang ở giai đoạn bất đầu. Tới nay, Tổng cục đã có công văn gửi đi các địa phương để đề nghị giảm phí tham quan du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục vẫn đang tiếp tục đàm phán với các đơn vị liên quan để có được sự cam kết giảm giá cao nhất.

Vị đại diện này cho biết thêm, tuy cam kết giảm giá nhưng các doanh nghiệp vẫn phải căn cứ vào tình hình kinh doanh của mình để có thể đưa ra những sự điều chỉnh cụ thể.

Giảm giá vẫn chưa đủ

Mặc dù khẳng định “nếu muốn thu hút được khách hàng, các đơn vị lữ hành không thể chào bán với giá cao” nhưng ông Nguyễn Minh Quyền, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ lữ hành Bến Thành Tourist, vẫn thẳng thắn đánh giá: Chương trình khuyến mại du lịch “Ấn tượng Việt Nam” vẫn chưa được chuẩn bị kỹ vì Tổng cục mới đưa ra chung chung là giảm giá 30% - 50% cho các tour du lịch mà không nhấn mạnh vào việc quảng bá những sản phẩm, dịch vụ cụ thể.

Còn theo nhìn nhận của ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Furama tại Đà Nẵng, “thay vì giảm giá để thu hút khách, chúng ta nên quảng bá hình ảnh Việt Nam tốt hơn. Không ít người nước ngoài làm du lịch đều có chung nhận định, Việt Nam có nhiều điểm đến thú vị và khác biệt so với các nước trong khu vực như bãi biển đẹp, nhiều di sản thế giới, văn hóa đặc sắc, lịch sử lâu đời và ẩm thực phong phú. Nhưng hiện nay chúng ta chuyển tải hình ảnh và thông tin này vẫn chưa đủ. Vì vậy, giảm giá trong tình hình hiện nay cũng vẫn rất khó cạnh tranh”.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh còn cho rằng, chương trình “Ấn tượng Việt Nam” được khởi xướng quá chậm, do đó các khách sạn và trung tâm thương mại chưa thực sự hào hứng tham gia.

Một chi tiết đáng chú ý, theo ý kiến của ông Quỳnh, là hiện tại chương trình mới chỉ chủ yếu quảng bá tới các công ty lữ hành trong nước mà các công ty này chỉ là các đơn vị đón khách khi đã vào Việt Nam, còn việc tiếp cận và quảng bá sản phẩm lại là các công ty lữ hành nước ngoài.

 “Muốn chiến lược này đạt được hiệu quả cần có sự kết hợp nhịp nhàng và đồng bộ hơn nữa giữa các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển đường bộ, đường thủy, hàng không để cùng thống nhất đưa ra một sản phẩm tour khuyến mãi hấp dẫn. Điều này mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và thu hút họ tham gia”, ông Quỳnh gợi ý.