07:58 31/10/2023

Giảm nghèo bền vững và nguyên tắc “trao cần câu, cho con cá”

Đỗ Phong

Để chương trình bám sát được mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ lương thực thực phẩm nên khai thác sâu hơn vào những chủ thể có khả năng đầu tư hiệu quả, tức là chỉ tập trung hỗ trợ cần câu cho những người biết câu. Điều này có nghĩa là chuyển hẳn từ hình thức cho không là chủ yếu sang hình thức cho vay là chủ yếu...

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương phát biểu tại hội trường chiều 30/10/2023.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương phát biểu tại hội trường chiều 30/10/2023.

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn Hải Dương, nêu quan điểm một số vấn đề liên quan tới hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại phiên thảo luận chiều ngày 30/10/2023.

HỖ TRỢ CẦN CÂU CHO NHỮNG NGƯỜI BIẾT CÂU

Theo đại biểu, mục tiêu chính sách của giai đoạn 2021-2025 vẫn vừa thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội. Trong khi đó, các hộ nghèo hiện nay có nhiều loại khác nhau và nguyên nhân nghèo của các hộ cũng khá đa dạng. Có thể nghèo do không có vốn sản xuất, kinh doanh, không có đất canh tác, nghèo do già, do ốm đau, bệnh nặng, tai nạn không có sức lao động, nghèo do không biết cách làm ăn, thiếu kiến thức, kỹ năng lao động hoặc do không chăm chỉ lao động.

Do vậy, nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất được hiệu quả, nên tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển. Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường phù hợp với điều kiện thực tế.

“Theo tôi, chính sách hỗ trợ phát triển về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nên hướng tới các doanh nghiệp và các hộ gia đình có năng lực sản xuất. Còn chính sách an sinh xã hội về trợ giúp hộ đói, hộ nghèo chỉ nên hướng tới các đối tượng người già, người yếu thế, không có khả năng lao động, người dân tộc vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, hải đảo vì các đối tượng này nằm trong các hộ không có khả năng mở rộng sản xuất”.

Giảm nghèo bền vững và nguyên tắc “trao cần câu, cho con cá” - Ảnh 1

Đại biểu Dung nêu kiến nghị và cho rằng “có như vậy mới phát huy được toàn diện mọi mặt của từng chính sách, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững và hạn chế được tái nghèo và phát sinh nghèo”.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách, ở giai đoạn này cách tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã có sự thay đổi từ chỉ hỗ trợ cho người dân con cá sang hỗ trợ cho người dân cần câu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đâu phải ai có cần câu cũng đều biết cách câu. Trong thời gian qua, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, các mô hình sinh kế triển khai ở các địa phương, phần lớn mức chi và tổ chức thực hiện vẫn còn theo cách làm cũ. Do vậy, chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất.

“Muốn giảm nghèo bền vững, nguyên tắc cho con cá và trao cần câu phải được cân nhắc, áp dụng phù hợp từng hoàn cảnh hộ nghèo, từng thời điểm”. Theo đại biểu, các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay quan trọng nhưng không nên làm đại trà trong một thời gian dài.

Để chương trình bám sát được mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ lương thực thực phẩm nên khai thác sâu hơn vào những chủ thể có khả năng đầu tư hiệu quả, tức là chỉ tập trung hỗ trợ cần câu cho những người biết câu.

Điều này có nghĩa là chuyển hẳn từ hình thức cho không là chủ yếu sang hình thức cho vay là chủ yếu. Nữ đại biểu phân tích, sử dụng hình thức cho vay sẽ không sử dụng nhiều đến vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, sẽ thu hút được những người thực sự muốn sản xuất và có khả năng sản xuất vào đầu tư sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm.

“Họ sẽ là những doanh nghiệp, những hộ khá, hộ giàu tại các xã vùng khó khăn và cũng chính là những người biết câu. Những doanh nghiệp hộ khá và hộ giàu này phát triển sẽ là động lực thúc đẩy, khuyến khích các cá nhân kéo theo các hộ gia đình khác, từ đó tạo nên cơ hội xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững”, đại biểu nói.

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chia sẻ giải pháp thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, đại biểu đoàn Nghệ An Trần Đức Thuận đồng tình với 5 giải pháp Đoàn giám sát đã chỉ ra, đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh đầu tư sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, tiếp tục vận động cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực đóng góp nguồn lực để thực hiện các mục tiêu.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn xã hội đóng góp. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm cho người nghèo, nghiên cứu các giải pháp để tạo việc làm cho người nghèo tại địa phương, áp dụng các công cụ kinh tế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư như miễn thuế, phí, tiền thuê sử dụng đất.

Đại biểu Trần Đức Thuận, đoàn Nghệ An
Đại biểu Trần Đức Thuận, đoàn Nghệ An

“Giải quyết hợp lý bài toán con cá vẫn cần cần câu. Trước khi nghĩ đến việc làm cho người nghèo cần phải quan tâm đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người nghèo, như hỗ trợ về chỗ ở, về sức khỏe và đảm bảo việc học hành”.

Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đoàn Bạc Liêu, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng thời gian qua, nhà nước đã dành nguồn ngân sách rất lớn thực hiện các chương trình này. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn và với đặc thù khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn lực thực hiện còn cách xa so với mục tiêu đặt ra.

Vì vậy, đại biểu cho rằng cần nhìn nhận lại câu chuyện lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp và toàn diện hơn. Cần phải quan niệm, vốn của chương trình chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu; tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, đang bức xúc cần thiết nhất đặt ra.

Góp ý về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình cho rằng nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào còn rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất.

Do đó, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng...để dành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào nhằm ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.