13:46 12/04/2010

Giảm nghèo và câu hỏi từ các con số

Nguyên Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói giảm nghèo qua Chương trình 135, giai đoạn 2006 -2010

Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư nâng cao dân trí chính là giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong ảnh: Một trường học vùng cao được xây dựng từ nguồn vốn 135.
Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư nâng cao dân trí chính là giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong ảnh: Một trường học vùng cao được xây dựng từ nguồn vốn 135.
Một số mục tiêu quan trọng của Chương trình xóa đói giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006 – 2010) khó có thể đạt được, còn có những con số “chưa đủ tin cậy”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước báo cáo tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/4, trên cương vị Trưởng đoàn giám sát về nội dung trên.

Một vấn đề được nhiều vị Ủy viên Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm qua gần trăm trang báo cáo của cả Chính phủ và Đoàn giám sát chính là số xã có quyết định hoàn thành mục tiêu đưa ra khỏi diện đầu tư của chương trình. 4 năm qua chỉ có 113 xã hoàn thành cơ bản các mục tiêu,  trong đó, xã do ngân sách Trung ương đầu tư là 86/1.748, chiếm 4,92%; do ngân sách địa phương đầu tư là 27/66 xã, chiếm 40,5%. Trong khi kết quả giám sát cho thấy “có rất nhiều xã đã đạt và vượt mục tiêu của kế hoạch chương trình 135”.
 
Mục tiêu quá cao?

Chương trình 135 giai đoạn 2 được thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, 354/567 huyện với tổng số 1.946 xã khu vực II. Số liệu điều tra năm 2006 cho thấy tỷ lệ đói nghèo tại các xã thuộc các vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân là 47%; tỷ lệ hộ nghèo thuộc các thôn bản bình quân 47%; đặc biệt có tới 61 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2006 - 2010, tổng kinh phí của ngân sách Trung ương và tài trợ của các tổ chức quốc tế đã đầu tư cho chương trình này là 14.024,65 tỷ đồng/12.950 tỷ đồng theo kế hoạch được duyệt.

Phân tích tại báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy mới chỉ có 1 mục tiêu chương trình đã hoàn thành, đó là 100% người dân có nhu cầu được trợ giúp pháp lý (mục tiêu là 95%). Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thì đây là một mục tiêu không phù hợp, làm phân tán nguồn lực vì “không có 135 thì việc này vẫn được thực hiện".

Với 9 mục tiêu còn lại thì  có 3 mục tiêu dự kiến sẽ đạt vào cuối năm 2010. Trong đó,  tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% đầu năm 2006 xuống còn 31,2% năm 2009 ( mục tiêu năm 2010 là dưới 30%). Tỷ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng năm là 67,5%, (mục tiêu 2010 đạt trên 70%)… Còn lại  có tới 6 mục tiêu khó có thể đạt khi kết thúc chương trình.

Một trong các nguyên nhân được Chính phủ nhìn nhận là do chương trình “đưa ra mục tiêu phấn đấu quá cao, quá nhiều chỉ tiêu cần đạt được”. Trong khi đó định mức vốn cho xã, thôn bản quá thấp, chưa cân đối với mục tiêu và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát lại nhấn mạnh, một số tỉnh tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hơn 1000 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân hơn 12 triệu đồng/người/ năm nhưng chuyển biến về giảm nghèo lại chậm.

100 tỷ và… 1 tỷ

Mở đầu phần thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt ra hàng loạt câu hỏi và nhấn mạnh liệu việc đầu tư cho xóa đói giảm nghèo như thời gian qua có tạo ra sự trồng chờ ỷ lại hay không. Những con số về tỷ lệ số xã được đưa ra khỏi diện đầu tư như đã nói ở trên cũng được dẫn để bày tỏ cho sự lo ngại này.

Bà Mai cũng tỏ rõ băn trước thực tế nhiều xã càng khó khăn tỷ lệ giảm nghèo càng nhanh, nhưng giảm nhanh thì tái cũng nhanh.

Theo kết quả giám sát thì đa số các xã, thôn, bản thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2, tuy tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn. Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa thì tỷ lệ hộ nghèo vùng này sẽ trở lại rất cao.

Đến cuối năm 2009 ở một số tỉnh vẫn còn một số xã còn tỷ lệ nghèo cao như: Tuyên Quang 42,2%, Lạng Sơn 49%, Điện Biên 50%, Quảng Bình 49,34%, Quảng Nam 48,78%, Quảng Ngãi 49,94%..., kết quả giám sát nêu rõ.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị phóng cũng đặt câu hỏi liệu có bệnh thành tích đằng sau các con số báo cáo hay không? Cần phải xem xét kỹ xem có sự trông chờ ỷ lại không, giải ngân chậm trách nhiệm thuộc về ai? Vì sao một số địa phương cán bộ giỏi, kinh tế mạnh mà hiệu quả chương trình lại thấp?

Nhận xét rằng một số ý kiến “rất hay và rất trúng" tuy nhiên ông Hà Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhắc đi nhắc lại là “không có chuyện ỷ lại”. Sở dĩ có ít xã do ngân sách Trung ương đầu tư được đưa ra khỏi diện đầu tư của chương trình là do mức độ đầu tư của mỗi địa phương khác nhau. Ví dụ, đầu tư trong một năm cho một xã ở Hà Nội là gần 100 tỷ đồng, Bình Dương  hơn chục tỷ đồng, một số tỉnh khác từ 30 đến 40 tỷ đồng. Trong khi vốn Trung ương chỉ đầu tư gần 1 tỷ đồng. “Đó là lý do, chứ không phải do ỷ lại, cần đánh giá cho đúng” ông Hùng phát biểu.

Chỉ ra "lỗi" của Trung ương trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ông Hùng đề nghị phải xây dựng 1 chính sách dài hạn với những quy định khác nhau cho các vùng, miền và đề nghị Quốc hội ưu tiên đầu tư mang tính chất đột phá cho chương trình.

Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành chuẩn nghèo mới trên cơ sở tổng kết giai đoạn 2 chương trình 135.

 “Tiền đã không có bao nhiêu, trong khi đó văn bản cái thì chậm, cái lại không phù hợp thì làm sao mà thực hiện được”, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng sốt ruột.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu (cuối năm 2009) tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2009 còn khoảng 11% (theo báo cáo của Chính phủ) cũng là con số được nhắc đến rất nhiều lần tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, dường như không có mấy vị đại biểu của dân tin vào tính xác thực của nó. Thậm chí, một số ý kiến đã thẳng thừng bác bỏ và cho rằng trên thực tế tỷ lệ hộ nghèo chắc chắn cao hơn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi qua giám sát thực tế đã tổng kết: hiện có tới 36 chính sách, trong 36 chính sách có 75 hợp phần, 100 văn bản hướng dẫn hỗ trợ người nghèo. Có đến 18 hợp phần nằm trong một chương trình phát triển sản xuất. Vậy, nhưng không có cơ quan nào chủ trì, điều hành, tổng hợp đánh giá đầy đủ về chương trình giảm nghèo.