Giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội tại Đồng Nai
Trong giai đoạn 2021- 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội, nhưng quá trình triển khai các dự án còn chậm do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội thiếu ổn định…
Tổ công tác của Đoàn công tác số 3 thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo làm Tổ trưởng đã khảo sát thực tế một số dự án nhà ở và làm việc với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
VIỆC QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN NHÀ Ở CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Theo đó, ngày 13/6, Tổ công tác đã khảo sát thực tế tại Dự án Khu dân cư, dịch vụ và du lịch Cù lao Tân Vạn, Dự án Nhà ở xã hội A6-A7; làm việc với Hiệp hội Bất động sản tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhà ở xã hội trên địa bàn.
Tại buổi khảo sát, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thanh Lâm cho biết thống kê sơ bộ trên địa bàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 26m2/người. Từ năm 2015 đến nay, có 120 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất trên 5.000 ha.
Về phát triển nhà ở xã hội có 12 dự án đã và đang triển khai; có 43,85 ha đất được Nhà nước giao để xây dựng nhà ở xã hội; 0,48 ha đất được Nhà nước giao cho thuê để xây dựng nhà ở xã hội và 11,27 ha đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà chủ đầu tư phải dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Theo Hiệp hội Bất động sản tỉnh Đồng Nai, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, thông tin thị trường dễ bị gây nhiễu loạn thị trường.
Việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển nhà ở và quản lý thị trường còn hạn chế; một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, gây ra áp dụng và cách hiểu khác nhau trong thực thi áp dụng.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng còn một số hạn chế như: việc triển khai kế hoạch nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra; việc dành quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội trong triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật còn chậm để bàn giao cho Nhà nước.
Ngoài ra, chính sách cho vay vốn ưu đãi để đầu tư trên thực tế còn khó tiếp cận; chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội thay đổi qua các thời kỳ.
Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai, các doanh nghiệp đề xuất Tổ công tác có kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc liên quan lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đối với quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại; hướng dẫn ưu đãi dành 20% quỹ đất hoặc nhà trong dự án nhà ở xã hội kinh doanh thương mại;
Cùng với đó là sửa đổi điều kiện thu nhập cho người mua nhà ở xã hội; tháo gỡ vướng mắc đối với dự án giao đất, bị lệch giữa quy hoạch chi tiết với quy hoạch phân khu và quy hoạch chung. Việc đồng bộ các hạ tầng xã hội trong dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn trước khi được chuyển nhượng được cho là khó thực hiện và lãng phí vì nhu cầu thực chưa có.
ĐÃ CHẤP THUẬN ĐẦU TƯ HƠN 120 DỰ ÁN NHÀ Ở THƯƠNG MẠI
Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 120 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Quá trình triển khai, các dự án đều thực hiện đúng quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, đất đai. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các thời kỳ được thực hiện kịp thời.
Tuy nhiên, do những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, đất đai nên một số dự án xảy ra khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, có dự án phải dừng triển khai. Hiện các sở, ngành đang phân loại dự án, trên cơ sở đó, đề xuất tháo gỡ.
Về nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2021- 2025 Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng 10.000 căn nhà. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án còn chậm do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội thiếu ổn định. Đơn cử như chính sách ưu đãi nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội; thủ tục xác nhận đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội…
Từ đó, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương hướng dẫn nội dung, tiêu chí đánh giá nhu cầu sử dụng đất cụ thể để địa phương biết, thực hiện. Có hướng dẫn cụ thể điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà ở được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Hướng dẫn xử lý dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 1/7/2014 đã hoàn thành việc giao đất, nhà đầu tư đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng, đề nghị kiểm tra, thông báo điều kiện chuyển nhượng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận ý kiến, đặc biệt là các kiến nghị của doanh nghiệp, Sở Xây dựng và các sở, ngành của tỉnh. Tổ công tác cũng đã trao đổi, làm rõ một số tồn tại, vướng mắc.
Sau buổi làm việc Tổ công tác sẽ tổng hợp, có báo cáo chuyên đề và kiến nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và nhà ở xã hội cho người dân.